- VPBank, sau khi chia tay OCBC chưa tìm được đối tác thay thế. HSBC vừa rút người đại diện khỏi Techcombank, BIDV thì vẫn chưa xuất hiện một cái tên cụ thể nào dù "room" vẫn còn đủ 30%... Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng các nhà băng Việt đang gặp khó khăn trong việc tìm vốn ngoại khi mà lâu rồi chưa có thương vụ nào thành công?
- Tôi không cho rằng họ đang quá khó khăn. Sau một giai đoạn muốn tìm nhanh, "kết hôn" sớm, tôi nghĩ giờ hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều cẩn trọng hơn trong việc tìm đối tác.
![Bà Nguyễn Thùy Dương.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2020/02/17/duong-nguyen-1581930515-1319-1581930563.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iwxYmZnAEYMqScE1oHtZ_g)
Bà Nguyễn Thùy Dương.
Một số ngân hàng đang dành thời gian để củng cố nội lực cho tốt hơn trước khi "chào mời" các nhà đầu tư ngoại. Ví dụ như họ chủ động trong việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế; mời Moody’s hoặc S&P – những tổ chức tín nhiệm quốc tế vào để đánh giá; xây dựng hệ thống quản trị rủi ro và tuân thủ Basel II – những yêu cầu mà các đối tác ngoại rất quan tâm trước khi đầu tư.
Sau một thời gian phát triển quá nóng, nhiều ngân hàng quên mất những thứ căn bản cần có. Nhưng rõ ràng, thời thế hiện đã khác nên nhiều đơn vị bắt đầu tập trung nhiều hơn cho công tác quản trị rủi ro.
- Đầu năm nay, thị trường hé lộ nhiều cuộc M&A ngân hàng nhưng đến giờ các thương vụ này vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Bà kỳ vọng sẽ có những thay đổi gì trong khu vực ngân hàng từ nay đến cuối năm?
- Theo tôi, 4 tháng còn lại, thị trường có thể sẽ chứng kiến "màn kết" của các thương vụ đã kéo dài trong thời gian qua. Tôi cũng không quá kỳ vọng sẽ xuất hiện các nhân tố M&A mới. Bởi nếu có thì cũng chỉ là các bước khởi đầu thăm dò và tìm hiểu lẫn nhau mà thôi. Trước mắt, chỉ cần đẩy nhanh tiến trình mua bán, sáp nhập đang diễn ra đã là thành công lớn.
- Cho phép các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia tái cơ cấu là một trong những cách Ngân hàng Nhà nước đã làm để xử lý một nhà băng yếu kém. Tuy nhiên, sau chuyện Tập đoàn Thiên Thanh tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) và chưa mang lại hiệu quả rõ nét nào, theo bà cách thức này có còn phù hợp?
- Việc một ngân hàng gặp "trục trặc" không đơn thuần chỉ do yếu tố cổ đông mà còn phụ thuộc nhiều vào tư duy quản trị, vào nguồn lực, con người, hệ thống công nghệ thông tin v.v.. Hiện ngành ngân hàng vẫn đang có những bước đi tích cực và mạnh mẽ trong tái cơ cấu nên việc phối kết hợp giữa nhiều biện pháp khác nhau là cần thiết.
- Có ý kiến cho rằng mua bán – sáp nhập (M&A) là giải pháp chưa thỏa đáng để tái cơ cấu thị trường ngân hàng vốn rất phức tạp như hiện nay. Quan điểm của bà thế nào?
- Tôi lại nghĩ đây là một trong những giải pháp nên áp dụng đầu tiên trong chuỗi các giải pháp tái cấu trúc nhằm sắp xếp và định vị lại hệ thống. Nhưng cốt lõi là làm sao để M&A không chỉ là một phép cộng số học đơn thuần.
Hiệu quả của các thương vụ M&A phụ thuộc rất lớn vào "tư duy quản trị" của các nhà lãnh đạo ngân hàng. Hiện có rất nhiều hội thảo hay diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm M&A, tuy nhiên, sẽ là con số 0 nếu không có sự "sẵn sàng thay đổi" từ chính những nhà lãnh đạo này. Sự khác biệt của một ngân hàng sau sáp nhập so với trước chính là sự giao thoa giữa các giá trị khác nhau của các bên tham gia.
- Thống đốc nói từ nay đến cuối năm sẽ mạnh tay tái cấu trúc và có thể để các ngân hàng quốc doanh đứng ra thực hiện tái cấu trúc những nhà băng yếu kém. Vậy sự vào cuộc lần này của các "ông lớn" nên được hiểu như thế nào?
- Với các thị trường đã tái cơ cấu như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia..., việc một vài ngân hàng lớn, có tầm cỡ khu vực được thành lập là điều khá phổ biến. Như ở Hàn Quốc, diện mạo mới sau tái cấu trúc là ba nhóm chuyên biệt. Nhóm dẫn đầu được lập thông qua các thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng lớn. Nhóm trung bình tập trung cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các thị trường ngách. Cuối cùng là nhóm các ngân hàng địa phương nhỏ lẻ chỉ chuyên vào một lĩnh vực cụ thể. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang cần các "nhân tố dẫn đầu" này nên sự nhập cuộc của các "ông lớn" như Vietinbank, Vietcombank ... là yếu tố tích cực, tạo hiệu ứng tốt.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như kỳ vọng, việc lựa chọn ngân hàng mục tiêu rất quan trọng. Như trong hỏi cưới, nhiều người đề cập đến "môn đăng hộ đối", trong M&A, người ta hay nói nhiều đến "hòa hợp tạo cộng hưởng". Ngân hàng mục tiêu phải phù hợp trên mọi phương diện gồm hoạt động kinh doanh, hiệu quả tài chính, văn hóa doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo... mới có thể tạo ra được các giá trị mà đôi khi còn vượt xa cả kỳ vọng.
- Thị trường Việt Nam đang bị cho là có quá nhiều ngân hàng. Theo bà hệ luỵ của việc này là gì?
- Theo khảo sát, hệ thống ngân hàng các nước phát triển tương đối như Thái Lan, Malaysia hay phát triển cao như Hàn Quốc thường khá gọn gàng, linh hoạt. Như Thái Lan có 17 ngân hàng nội địa, Malaysia có 8, Hàn Quốc có 18.
Còn ở Việt Nam, với số lượng gần 40 thì có thể đánh giá là"dư" ngân hàng và do vậy, Ngân hàng Nhà nước mới có chủ trương sắp xếp lại để vài năm tới, con số này sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 15–17. Trong gần 40 ngân hàng hiện tại, ngoại trừ một số dẫn đầu thị trường, một nhóm có quy mô trung bình thì phần còn lại đều theo đuổi chiến lược kinh doanh tấn công vào các thị trường ngách như xây dựng, nhà ở, xăng dầu... Chỉ có điều họ đều chưa mấy thành công.
Hơn nữa, sự khác biệt trong trải nghiệm của khách hàng ở các nhà băng khác nhau là không cao, dẫn đến mức độ trung thành của người dùng rất thấp. Kinh nghiệm cho thấy, để tạo các đột phá trên thị trường ngách mà vẫn đảm bảo an toàn, lạnh mạnh, bản thân tổ chức tín dụng cần phải thay đổi mạnh mẽ trong mô thức quản trị và hoạt động, hiệu quả trong định vị phân khúc khách hàng và hiện đại trong công nghệ thông tin. Tiếc là cả 3 yếu tố này đều đang là điểm yếu của không ít ngân hàng Việt Nam.
Do đó, việc tìm kiếm các đối tác phù hợp để bù trừ điểm yếu, tăng cường các điểm mạnh với ngân hàng trung bình và nhỏ là vô cùng quan trọng. Vì thế tôi tin, dịch chuyển, sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.
Thanh Thanh Lan