Kodogakusha đã bị đóng cửa năm 2015, nhưng trong 40 năm hoạt động, học viện này đã đóng góp cho judo Nhật Bản bốn nhà vô địch Olympic: Toshihiko Koga (khóa 6), Hidehiko Yoshida (khóa 8), Makoto Takimoto (khóa 13) và Shohei Ono (khóa 30). Nhiều nhà vô địch thế giới cũng xuất thân từ đây, như Daisuke Hideshima, Yasuyuki Muneta, Hiroshi Izumi, Masashi Ebinuma...
Kodogakusha được hai doanh nhân - võ sư, Masaru Hayakawa (1904-1979) và Haruo Yokochi (1912-2007), thành lập năm 1975 tại quận Setagaya, Tokyo với mục tiêu đào tạo các tài năng judo tương lai cho Nhật Bản. Đây cũng là một cách để họ xóa đi nỗi buồn vì đội nhà để vuột chiếc HC vàng hạng không tính cân tại Olympic Tokyo 1964 vào tay võ sĩ Hà Lan Anton Geesink. Kodogakusha được mở ra với tôn chỉ "bảo tồn tinh thần Nhật Bản", tuyển các võ sinh giỏi từ 12 tuổi trên khắp nước, đài thọ ăn ở nội trú, học tập, luyện võ trong sáu năm - tức đến hết trung học. Các tài năng trẻ vào đây sẽ được rèn giũa không chỉ về judo mà còn về tri thức và đạo đức. Do các võ sinh của Kodogakusha đều theo học tại trường cấp 2 Tsurumaki, cấp 3 Setagaya Gakuen, và từ năm 2008 là trường cấp 2 - 3 Nihon Gakuen, nên tại các giải đấu học sinh toàn Nhật Bản, những trường này luôn thuộc nhóm các đội được đánh giá cao nhất.
Tại Kodogakusha, các võ sinh được dạy bảo bởi những tên tuổi lẫy lừng của Judo Nhật như huyền thoại Masahiko Kimura (1917-1993), võ sư Isao Okano - nhà vô địch Olympic, vô địch thế giới và là người nhẹ cân nhất - chỉ khoảng 80kg - từng vô địch Giải Zen Nihon Không tính cân toàn Nhật Bản, võ sư Haruya Mochida... Với tôn chỉ "bảo tồn tinh thần Nhật Bản", các võ sĩ tương lai trải qua quá trình rèn luyện rất nghiêm khắc.
Võ sư Toshihiko Koga kể, thời còn ăn học tại đây, hàng ngày, ông và các bạn dậy từ 5h40 rồi nhanh chóng chuẩn bị để sau tiếng trống báo hiệu là tập luyện một giờ trên võ đường, rồi mới ăn sáng và đi học. Kết thúc thời gian học ở trường, về đến học viện, các võ sinh lại có hai tiếng mướt mồ hôi trên thảm tập. Cả bảy ngày trong tuần đều tập luyện, và do mỗi năm chỉ có hai hoặc ba ngày nghỉ, nên võ sinh hầu như không về nhà. Phụ huynh, nếu muốn, chỉ có thể đến Kodogakusha thăm con vào chiều Chủ nhật.
Để có được ba lần vô địch thế giới, thắng chung kết của hai kỳ Olympic liên tiếp, Ono cũng phải trải qua những ngày tháng gian khó như thế ở Kodogakusha.
Từ thành phố Yamaguchi, Ono nối bước anh trai Tetsuya Ono thi vào học viện. Ở tuổi 12, cậu bé thấp, nhỏ hơn các bạn, cũng không mấy nổi bật khi kiểm tra năng khiếu. Trong 10 võ sinh của khóa 30 được nhận vào học viện, điểm kiểm tra của Ono chỉ xếp thứ tám, và những gì thể hiện thì bị đánh giá là kém xa so với anh trai. Gần như "đậu vớt" vào Kodogakusha, tháng ngày khổ luyện sau đó của cậu bé không thiếu những lúc nước mắt ngắn, nước mắt dài. Nhưng trong lúc nhiều người đánh giá thấp Ono "yếu ớt", võ sư Haruya Mochida lại nhìn nhận khác. "Tôi nghĩ rằng có thể làm điều gì đó cho cậu trò nhỏ hay khóc nhưng không ngừng tập luyện", ông kể.
Thầy Mochida còn sớm nhận ra những phẩm chất đặc biệt ở cậu học trò mau nước mắt. Võ sư kể: "Cách Ono tập hay đấu luyện rất khác với bạn bè cùng trang lứa. Khi tôi đưa ra một bài tập nặng, hoặc một kỹ thuật cao, đa phần võ sinh sau một lúc sẽ tỏ ra mệt mỏi, hoặc e ngại và tìm cách tránh tôi trong sân tập, nhưng Ono thì khác". Vào năm cuối cấp 2, dù Ono chưa thuộc nhóm giỏi nhất trong khóa, võ sư Mochida vẫn tin tưởng để cậu bé làm đội trưởng của khóa 30. Niềm tin ấy càng khiến Ono nỗ lực hơn và tiến bộ mạnh mẽ ở những năm sau đó. Cũng chính thầy Mochida đã truyền thụ cho cậu bé hai kỹ thuật sở trường - vũ khí sắc bén mà Ono thường "thi triển" khi chinh chiến ở mọi đấu trường sau này - Uchi Mata và Osoto Gari, cùng lối nắm áo với hikite (tay nắm tay áo) "đặc sản" của Kodogakusha: nắm tay áo rất cao, thậm chí sát phần nách của đối thủ.
Bên cạnh ảnh hưởng rõ nét từ thầy, Ono còn được truyền cảm hứng từ những bậc tiền bối và đàn anh trong học viện: Toshihiko Koga, Hidehiko Yoshida, Makoto Takimoto... Những nhà vô địch này, dù đã thành danh, vẫn hay về trường xưa để tập với các hậu bối. Ono kể: "Đâu dễ gì một thiếu niên ở nông thôn như tôi mà mới vào trung học đã được tập luyện với chủ nhân HC vàng Olympic là anh Takimoto. Nhiều đứa trẻ khác từ nhỏ đã mơ được bước lên bục cao nhất tại Olympic, còn tôi thì phải đến khi gặp các nhà vô địch, giấc mơ này mới dần được thắp lên". Và cũng nhờ xem một tiền bối khác - Toshihiko Koga - thi đấu với những đối thủ nặng gần gấp đôi trong Giải Zen Nihon Không tính cân toàn Nhật Bản, Ono theo gương, thường tập và đấu với những bạn nặng ký, cao to hơn ở học viện.
Mồ hôi và nước mắt ở Kodogakusha đã giúp cậu bé yếu ớt ngày nào trở thành ngôi sao của đội tuyển Judo Nhật Bản. Ono đúc kết: "Sự kiên trì rồi sẽ tạo nên kết quả. Tôi không phải thiên tài, nhưng tôi tự hào vì mình đã kiên trì được trong suốt một thời gian dài và nhờ đó mà đạt được những thành tích ngày nay. Khi thi vào Kodogakusha, tôi xếp thứ tám trong 10 môn sinh của khóa, rất tệ. Nhiều người thậm chí chỉ gọi tôi là 'em của Tetsuya', chứ không gọi tên Shohei. Nhưng mẹ tôi đã động viên tôi tiến lên từng bước một. Khi tốt nghiệp Học viện, tôi đứng nhất toàn khóa".
Với chi phí hoạt động khoảng 1 triệu USD hàng năm, Kodogakusha bắt đầu gặp khó khăn lớn về tài chính từ 2007, sau khi các vị sáng lập lần lượt qua đời. Bên cạnh đó, khâu tuyển sinh của võ đường cũng vấp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các trường trung học trực thuộc những đại học nổi tiếng về judo như Tokai, Tenri... Đại học Tokai có mạng lưới 12 trường cấp 3 trên toàn nước Nhật Bản. Nổi tiếng cả về học thuật lẫn võ thuật, cộng thêm nền tảng tài chính vững chắc, Tokai thu hút những võ sinh hàng đầu Nhật Bản ngay từ thời phổ thông. Những VĐV giỏi đã chọn các trường cấp 3 của Tokai cũng sẽ tiếp tục theo học tại Đại học Tokai. Gần 70% thành viên CLB Judo Tokai xuất thân từ các trường cấp 3 trực thuộc. Số này có cả võ sư Yasuhiro Yamashita - Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản. Ông được tuyển chọn vào trường phổ thông Tokai Sagami - một trong những trường cấp 3 tốt nhất thuộc Đại học Tokai - từ năm 16 tuổi.
Vào tháng 3/2019, toà nhà cũ của Kodogakusha bị đập bỏ. Nhưng dù không còn nữa, võ đường này vẫn để lại một dấu ấn sâu đậm với judo Nhật Bản, không chỉ vì thành tích vang dội, hay kỹ thuật vượt trội, mà các VĐV xuất thân từ võ đường này luôn có thái độ rất chuẩn mực, cả ở trong và ngoài sân đấu. Nhìn Ono hay Muneta chào đối thủ, chào sân mỗi khi thi đấu là có thể cảm nhận rõ ràng điều này. Dù các võ sĩ Nhật Bản đều rất nghiêm chỉnh, "học trò nhà Kodogakusha" vẫn có nét riêng.
Lan Chi