Theo thông báo hôm 13/7, James Webb là kính viễn vọng không gian lớn và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật được NASA chế tạo. Đây là kết quả hợp tác quốc tế giữa NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan vũ trụ Canada.
Thử nghiệm mới nhất có ý nghĩa quan trọng trong phát triển phần cứng. Các tổ hợp mã riêng lẻ cần được kiểm tra khi viết, sau đó kiểm tra lại khi kết hợp thành những bộ phận phần mềm lớn hơn. Đội kỹ sư cũng phải chạy lại thử nghiệm mỗi khi sửa lỗi hoặc thêm vào tính năng mới nhằm xác nhận dòng mã đã thay đổi không làm phát sinh vấn đề trong hệ thống. Để hoàn thành thử nghiệm, các kỹ sư phải làm việc 24 giờ một ngày trong 15 ngày liên tục, xử lý khoảng 1.070 chuỗi chỉ thị và thực hiện quy trình bao gồm 1.370 bước.
Loạt thử nghiệm cuối cùng của Webb quyết định mức độ sẵn sàng cho hoạt động phóng. Trong vài tháng tới, đội kỹ sư sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thêm một lần nữa. Sau đó, họ sẽ so sánh kết quả trước và sau lượt kiểm tra này. Nếu dữ liệu giống nhau, điều đó có nghĩa James Webb đang vận hành như một đài quan sát hoàn chỉnh và có thể chống chịu điều kiện phóng để hoạt động theo thiết kế trong vũ trụ.
Quá trình phát triển mẫu kính viễn vọng không gian trị giá 9,7 tỷ USD bắt đầu vào năm 1996, và lịch phóng ban đầu là năm 2007. Giờ đây, sau nhiều lần thiết kế lại, trì hoãn thử nghiệm và ngân sách tăng vọt, NASA dự kiến phóng kính James Webb vào năm 2021.
Chiếc kính viễn vọng rộng 6,4 m sẽ quan sát không gian sâu trong lúc quay quanh Mặt Trời. Tấm chắn nắng gập theo kiểu origami với kích thước bằng sân tennis sẽ giúp làm mát cho kính James Webb. 18 tấm gương hình lục giác, mỗi tấm có đường kính hơn 1,2 mét, sẽ tạo thành bề mặt phản chiếu khổng lồ với tổng diện tích 25,4 m2. Bộ phận này sẽ cho phép James Webb quan sát những ngôi sao ở dải tần số thấp hơn nhiều so với bản tiền nhiệm là kính viễn vọng không gian Hubble. Mỗi tấm gương được phủ vật liệu beri siêu nhẹ nhưng có độ bền cao.
James Webb sẽ thu thập dữ liệu thông qua 4 thiết bị khoa học, bao gồm camera và quang phổ kế, để tìm hiểu thêm về những thiên hà sớm nhất hình thành không lâu sau vụ nổ Big Bang. Chiếc kính viễn vọng sẽ nhìn ngược quá khứ 13,5 tỷ năm của vũ trụ, quan sát chu kỳ tiến hóa của các ngôi sao. Một mục tiêu khác của James Webb là đo nhiệt độ và tìm hiểu thành phần hóa học của hệ hành tinh khác, từ đó xác định những nơi đó có tồn tại sự sống hay không.
An Khang (Theo Futurism)