Tạp chí này nhận định xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng và tình hình kinh tế nói chung ở Việt Nam đều đang khởi sắc. Trong khi đó, Chính phủ dần lấy được niềm tin của người dân khi có những bước đi vững chắc để khắc phục hàng loạt vấn đề, vốn kéo tụt tăng trưởng năm ngoái xuống thấp nhất 13 năm.
Doanh số bán ôtô tháng trước đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm cũng tăng 14,3%. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ các công ty công nghệ cao, tăng 6,4% trong cùng thời kỳ, lên 6,65 tỷ USD.
Tăng trưởng tín dụng cũng bắt đầu khởi sắc khi Chính phủ thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) để mua lại nợ xấu từ hệ thống ngân hàng. Tín dụng đã tăng 5,15% trong 7 tháng đầu năm, cao hơn nhiều mức 0,3% trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn dưới mục tiêu 12% năm 2013 của Chính phủ.
Các nhà đầu tư cũng đang nhận thấy sự cải thiện này, Wall Street Journal nhận định. Chỉ số VN-Index đã tăng 20% năm nay, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tốt nhất châu Á, khi các nước lớn trong khu vực vật lộn với mức tăng một chữ số.
Tạp chí này cho rằng Việt Nam là minh chứng cho việc một thị trường sơ khai vẫn có thể tăng trưởng ấn tượng khi các nền kinh tế mới nổi đang ì ạch. Chỉ số MSCI Frontier Markets theo dõi 32 thị trường sơ khai trên thế giới đã tăng 14% trong năm nay, bất chấp lo ngại về nhu cầu giảm tại Trung Quốc và viễn cảnh Mỹ thu hẹp quy mô gói kích thích tiền tệ. Đây là nguyên nhân khiến giá tài sản tại các thị trường mới nổi lao dốc những tháng gần đây.
Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng có nhiều dấu hiệu bình ổn. GDP tăng 5% trong quý II, nhỉnh hơn so với 4,8% cùng kỳ năm ngoái. Giới chức Việt Nam và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng tốc độ này sẽ còn cao hơn nữa.
Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Dù vẫn còn sớm để đưa ra bất kỳ số liệu dự báo nào cho quý III, nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn trong quý này". GDP Việt Nam năm nay được dự đoán tăng 5,5%, cao hơn 5,03% năm ngoái.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng và đầu tư nước ngoài, với gần một tỷ USD mỗi tháng, sẽ củng cố đà tăng này đến cuối năm.
Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính phủ đang phải vật lộn hồi sinh thị trường nhà đất và xây dựng sau khi bong bóng bất động sản xì hơi, khiến vấn đề nợ xấu càng thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, sau hàng tháng trì hoãn, VAMC cũng chính thức hoạt động vào tháng 7. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa bắt đầu mua nợ xấu, khiến các ngân hàng lo ngại cho vay thêm trong bối cảnh nợ xấu chiếm tới 15% tổng tín dụng, theo dự báo từ hãng đánh giá tín nhiệm Fitch.
Quá trình cải cách các công ty nhà nước lớn vẫn chưa có nhiều tiến triển. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này có khối nợ khổng lồ từ thập kỷ trước khi cố gắng mở rộng sản xuất để cạnh tranh với công ty nước ngoài. Điển hình là việc Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gần như sụp đổ năm 2008 với khối nợ hơn 4 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ cắt giảm lãi suất quá mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất hai lần trong năm nay, mỗi lần 1%. Tuần trước, đại diện của IMF cũng thúc giục các nhà hoạch định chính sách nên tập trung kiềm chế lạm phát sau nhiều lần giá cả tăng vọt những năm gần đây.
Tuy nhiên, các dấu hiệu phục hồi cũng đang khiến giới phân tích lạc quan rằng kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Công ty quản lý tài sản đang chuẩn bị mua lại các khoản nợ, trong khi Chính phủ cũng tung gói tín dụng 1,4 tỷ USD để hỗ trợ mua nhà giá rẻ. Việc này được kỳ vọng hồi sinh phần nào thị trường bất động sản, Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết.
Theo đó, nhà đầu tư có thể sớm tham gia vào thị trường Việt Nam. Chính phủ cũng đang cân nhắc nâng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết lên 59%, từ 49% hiện tại. Việc này sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn. "Việt Nam sẽ có bước tiến lớn trong năm 2014", Kokalari cho biết.
Thùy Linh