- Ông có dự báo như thế nào về những kịch bản tăng trưởng kinh thế Việt Nam trong năm 2022?
- Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt từ khi thay đổi Chiến lược phòng chống dịch từ Zero - Covid sang thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid (Nghị quyết 128). Các chỉ số kinh tế vĩ mô quý 4/2021 đều tốt lên, giúp GDP quý 4 tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, từ mức âm 6,02% của quý III và cao hơn mức tăng 4,48% của quý 4/2020; giúp GDP cả năm tăng trưởng 2,58%.
Với đà này, chúng tôi đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022, gồm:
Kịch bản thứ nhất, nếu thực hiện tốt cả hai chương trình trọng điểm mà Chính phủ đang hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền thông qua, là phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 thì kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022.
Kịch bản thứ hai, nếu không làm tốt hai chương trình trọng điểm nêu trên thì khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt khoảng 4,5-5%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp và có thể nói là khó có thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng như Quốc hội đã thông qua.
Vì vậy, phải quyết tâm xây dựng và thực hiện hiệu quả hai chương trình trọng điểm này, cùng với các chiến lược, chương trình khác đã nằm trong kế hoạch.
- Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ mở rộng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Với kịch bản như vậy, ông có nhận định về áp lực lạm phát và nợ xấu?
- Với năm 2022, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tăng khá nhanh (từ mức bình quân 1,84% năm 2021 lên mức khoảng 3,5-3,8%), gần gấp đôi so với năm 2021. Lý do chính là: áp lực lạm phát của Việt Nam đang gia tăng (có chậm nhịp hơn các nước) cùng với đà phục hồi kinh tế của đất nước; giá cả, áp lực lạm phát toàn cầu năm 2022 còn ở mức cao (dự báo là ít nhất tương đương năm 2021, khoảng 3,3%) dẫn đến vẫn còn hiện tượng "nhập khẩu lạm phát",độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng từ năm trước cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức lạm phát thấp hơn so với mục tiêu khoảng 4% và có một số yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát như nguồn cung hàng hóa dồi dào; lực cầu tiêu dùng tăng nhưng không đột biến; khả năng chưa điều chỉnh một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; và phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giá cả) ngày càng được quan tâm và làm tốt hơn.
Về tín dụng, chúng tôi dự báo tín dụng năm 2022 có thể tăng khoảng 14% (cũng là mức định hướng của NHNN), cao hơn một chút so với năm 2021. Đây là mức chấp nhận được vì năm 2022, chúng ta sẽ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cấu phần phục hồi doanh nghiệp và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; kéo theo nhu cầu tín dụng (bao gồm cả trong và ngoài Chương trình phục hồi) sẽ tăng lên.
Về nợ xấu, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp 2 năm qua, nhất là năm 2021 với mức tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Theo NHNN, tính đến hết năm 2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 2%, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý đã tăng lên mức 3,79%; và còn tăng lên. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03 và gần đây là Thông tư 14 (sửa đổi hai thông tư nêu trên), thì nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn) có thể tăng lên 7,31% (so với con số ước tính 5,08% cuối năm 2020).
Chúng tôi hy vọng, khi kinh tế phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023, một phần nợ xấu có thể tốt lên hoặc được xử lý, sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát và có xu hướng giảm dần từ năm 2023.
- Vậy lạm phát có phải là hiệu ứng tạm thời của sự phục hồi Covid-19 hay một giai đoạn lâu dài hơn?
- Với đà phục hồi cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - xã hội 2022-2023, trong khi rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh còn phức tạp, cùng với lượng cung tiền khoảng trên 10%, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ còn ở mức cao (gần 4%) năm 2023, sau đó mới có thể dịu dần, ở mức thấp hơn khi kết thúc Chương trình phục hồi nêu trên và dịch bệnh chấm dứt. Tất nhiên, mọi thứ có thể thay đổi do môi trường hiện nay nhiều bất định hơn.
- Theo ông, cần có những giải pháp gì giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng để phục hồi và phát triển trong thời gian tới?
- Trước hết, ở góc độ Nhà nước, theo tôi, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp quan trọng: Một là, cần sớm ban hành, thực thi tốt và gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình phòng chống dịch và
Chương trình phục hồi, phát triển Kinh tế - xã hội. Có thể nói, đây là 2 vế của một phương trình, là điều kiện cần và đủ để Việt Nam hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Hai là, cần xây dựng lộ trình và giải pháp cụ thể để trung hòa các tác động của những chương trình, chính sách nêu trên; ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo lạm phát được kiểm soát tốt với mức tăng khoảng 3,5-3,8% năm 2022; quản trị rủi ro đối với các tác dụng phụ ngoài mong muốn khi thực hiện chương trình phục hồi và ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế; cải thiện thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư - kinh doanh; kiên quyết đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính để đảm bảo công tác huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết cấp bách trong bối cảnh hiện nay cũng như trung - dài hạn. Bốn là, chú trọng triển khai đồng thời những nhiệm vụ, giải pháp đã được ban hành trong các chương trình, kế hoạch trước đây như chương trình chuyển đổi số, chiến lược tăng trưởng xanh, chương trình nông thôn mới, chống biến đổi khí hậu ...bên cạnh những chương trình khác đã và đang được xúc tiến thời gian qua.
Ở góc độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp đã rất nỗ lực, linh hoạt, thích ứng thời gian qua; cần tiếp tục phát huy thời gian tới, trong đó chú trọng hơn đến nguồn nhân lực, dòng tiền, thanh khoản và khách hàng, đối tác. Hai là, cần chú trọng tái cấu trúc (thậm chí thay đổi cả chiến lược kinh doanh), tận dụng cơ hội để triển khai lĩnh vực mới có hiệu quả. Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển trên nền tảng đổi mới, sáng tạo. Thực tiễn chứng minh, doanh nghiệp nào chuyển đổi số tốt, đổi mới sáng tạo nhanh, đã thích ứng và phát triển tốt 2 năm qua. Cuối cùng, chú trọng gia tăng sức đề kháng, sức chống chịu với các cú sốc bằng việc gia cố, đầu tư năng lực phân tích, dự báo và quản trị rủi ro...
- Có những điểm nghẽn nào cần tháo gỡ để đảm bảo kịch bản tăng trưởng cơ bản, thưa ông?
- Tôi đã gợi ý các nhóm giải pháp đối với cả Nhà nước và doanh nghiệp như trên. Ngoài ra, nếu nói về điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ, tôi cho rằng, vẫn là thể chế, thủ tục hành chính. Đây không phải là vấn đề mới nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, nhất là về tính nhất quán, tính đồng bộ và sức sống (độ bền, ít thay đổi nhất có thể và sát thực tiễn) của cơ chế, chính sách. Đồng thời, thủ tục hành chính đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn rất phức tạp ở một số lĩnh vực mà VCCI qua khảo sát đã chỉ ra, đó là: đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, qui hoạch đô thị, thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, rồi còn thanh kiểm tra nhiều...
Cuối cùng là khâu thực thi chính sách, làm sao phải nhanh hơn, gọn hơn, cơ chế một cửa nhiều hơn và đặc biệt là khâu phối kết hợp tốt hơn nữa, hạn chế tối đa tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thí dụ, trong lĩnh vực bất động sản, có đến hàng trăm dự án đang bị treo, vướng mắc, nếu tháo gỡ được, sẽ giải tỏa, được triển khai, gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp, việc làm cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách. Đây chính là một trong những nguồn lực lớn cho phục hồi và tăng trưởng.
Tuấn Thủy