Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) hôm nay cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên năm 2019 tăng 0,4% so với năm 2018, khi nền kinh tế sụt giảm lớn nhất trong 21 năm xuống - 4,1% do hạn hán và lệnh trừng phạt.
Triều Tiên chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006 do các chương trình phát triển đạn đạo và tên lửa hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn trong những năm gần đây.
"Các biện pháp trừng phạt không gia tăng từ cuối năm 2017 và điều kiện thời tiết thuận lợi hơn giúp sản lượng ngành nông nghiệp được cải thiện", một quan chức BOK nói.
"Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói rằng kinh tế Triều Tiên đang trong giai đoạn phục hồi" vì khối lượng giao dịch thương mại của quốc gia này trong những năm gần đây chỉ bằng một nửa so với trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế có hiệu lực. Nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,9% năm 2016, nhanh nhất trong 17 năm, nhưng giảm mạnh vào hai năm tiếp theo.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un năm 2018 tuyên bố chuyển trọng tâm từ phát triển vũ khí hạt nhân sang kinh tế, trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh chưa từng có với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ba lần, nhưng không đạt được thỏa thuận chung về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ước tính về dữ liệu kinh tế Triều Tiên của BOK được coi là dữ liệu đáng tin cậy nhất vì Triều Tiên chưa từng công bố bất kỳ thống kê nào về kinh tế đất nước. Từ năm 1991, BOK đã sử dụng số liệu từ các cơ quan tình báo và dữ liệu của Bộ Thống nhất về mọi khía cạnh ở Triều Tiên, từ diện tích trồng lúa, dòng chảy qua đập tới giao thông gần biên giới để đưa ra dự tính.
BOK cho biết sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp chiếm khoảng 1/5 GDP Triều Tiên đã tăng 1,4% vào năm ngoái, trong khi sản xuất công nghiệp giảm 0,9%, sau khi giảm 12,3% năm 2018.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thương mại của Triều Tiên tăng 14,1% năm 2019 do xuất khẩu các mặt hàng không chịu lệnh trừng phạt như giày dép, mũ nón và tóc giả tăng 43%.
Quan chức BOK cho hay thương mại Triều Tiên dự kiến sẽ xấu đi nhiều vào năm nay vì Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới giao thương với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm hơn 90% tổng giao dịch thương mại của Triều Tiên.
Tổng thu nhập quốc dân Triều Tiên tính theo đầu người ở mức 1.408 triệu won (1.184,79 USD) năm 2019, bằng 3,8% so với Hàn Quốc.
Trong những năm 1950, nền kinh tế tập trung của Triều Tiên duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 13,7% nhưng tập trung vào ngân sách quân sự sau Chiến tranh Triều Tiên, sự sụp đổ của Liên Xô và nạn đói giữa năm 1990 khiến hai triệu người chết, đã làm tê liệt nền kinh tế đất nước này.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)