Dù đầu tư doanh nghiệp tăng cao nhất hai năm và tiêu dùng cũng nhích lên, GDP Nhật Bản vẫn bị kéo tụt bởi thâm hụt thương mại. Tăng trưởng yếu hơn dự kiến có thể khiến ngân hàng trung ương nước này (BOJ) tung thêm kích thích trong những tháng tới, đồng thời gây áp lực buộc Thủ tướng Shinzo Abe có biện pháp cải thiện khả năng cạnh tranh của quốc gia.
"Xuất khẩu yếu cho thấy kinh tế Nhật Bản có thể sẽ suy giảm mạnh nữa sau tháng 4. Thủ tướng Abe sẽ phải nhanh chóng chứng minh rằng ông ấy có thể thực hiện cải tổ", Takuji Okubo – kinh tế trưởng tại Japan Macro Advisors cho biết.
Đầu tư của doanh nghiệp tăng thêm 1,3% so với quý trước. Tiêu dùng cũng nhích lên 0,5% và xuất khẩu lên 0,4%. Tuy vậy, nhập khẩu lại tăng tới 3,5%. Trước đó Bloomberg dự báo kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng 2,8%.
Suy giảm niềm tin tiêu dùng và xuất khẩu tăng chậm lại gần đây đã làm thị trường thêm ngờ vực về khả năng phục hồi của kinh tế Nhật Bản, sau khi thuế tiêu dùng được nâng lên vào tháng 4. "Nền kinh tế sẽ không tránh khỏi bị tụt dốc trong quý II do nhu cầu giảm", Yoshimasa Maruyama - kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết.
Đồng yen đã tăng 0,3% so với USD sáng nay. Chỉ số Topix trên sàn chứng khoán Nhật Bản giảm 0,5%. Từ đầu năm, Topix đã mất 10%, sau khi tăng tới hơn 50% năm ngoái.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi "Mũi tên thứ ba" – cải tổ cấu trúc trong nhóm chính sách kinh tế Abenomics. Hai mũi tên đầu là kích thích tài khóa và tiền tệ đã được triển khai mạnh mẽ, nhằm kéo Nhật Bản thoát khỏi 15 năm giảm phát.
BOJ cũng được kỳ vọng giữ nguyên chính sách tiền tệ trong cuộc họp ngày mai, theo khảo sát của Bloomberg. Đa số nhà kinh tế được hỏi cho rằng Nhật Bản sẽ còn tung thêm kích thích trong tháng 9.
Hà Thu