8h ngày 28/6 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden - ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và ông Donald Trump - ứng cử viên đảng Cộng hòa, sẽ có cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình. Giới quan sát cho rằng một trong các chủ đề trọng tâm là thành tích kinh tế của cả hai.
Dù vậy, việc so sánh kinh tế Mỹ trong hai nhiệm kỳ này rất phức tạp, do tác động của đại dịch. Covid-19 khiến Mỹ ghi nhận hai quý bất thường bậc nhất trong lịch sử - một tăng trưởng rất mạnh và một giảm chưa từng có. Lạm phát nước này cũng có thời điểm lên cao nhất 40 năm.
Kinh tế Mỹ được ví như con tàu lớn, khó đổi hướng. Tuy nhiên, các quyết định của người đứng đầu có thể gây ra tác động đáng kể. Trump hứa hẹn giảm thuế, từ đó tăng đầu tư doanh nghiệp. Biden thì muốn hướng chi tiêu công vào các ngành chiến lược và cơ sở hạ tầng.
Dù vậy, nhiệm kỳ của cả hai ông cũng có nhiều điểm chung. Đó là thâm hụt ngân sách Mỹ vẫn lớn, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh và hàng Trung Quốc bị tăng thuế nhập khẩu.
Quy mô kinh tế
GDP là thước đo tổng quát nhất về sức khỏe của một nền kinh tế. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Donald Trump (trước khi đại dịch xuất hiện), tăng trưởng trung bình hàng năm của Mỹ vào khoảng 2,7%.
Còn với Biden, không tính năm đầu tiên vẫn chịu tác động của Covid-19, tốc độ tăng trưởng của Mỹ chậm hơn một chút, với 2,3%.
Kinh tế Mỹ dưới thời Biden chứng kiến sự bùng nổ tiêu dùng trong và sau đại dịch. Tiêu dùng là lực đẩy cho Mỹ vài năm qua, dù cả lạm phát và lãi suất đều cao nhất hàng thập kỷ. Nguyên nhân là người dân tích lũy được số tiền lớn trong đại dịch.
Ngược lại, kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ của Trump ghi nhận đóng góp lớn hơn từ đầu tư của doanh nghiệp. Một phần nguyên nhân là ông giảm thuế mạnh tay cho nhóm này. Dù vậy, chính sách trên cũng khiến ngân sách Mỹ thâm hụt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Thâm hụt dưới thời Biden cũng tương tự, nhưng chủ yếu cho các chính sách hỗ trợ trong đại dịch.
Giá cả
Trong nhiệm kỳ của Trump, lạm phát tại Mỹ ổn định ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, đại dịch xuất hiện năm 2020 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cả tại đây tăng vọt. Trong đại dịch, Quốc hội Mỹ cũng thông qua đề xuất chi hàng nghìn tỷ USD cho các hộ gia đình, giúp họ thoải mái mua sắm trong và sau đại dịch. Việc này càng kéo lạm phát lên cao.
Tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước đó, cao nhất kể từ thập niên 80. Giá thực phẩm, xăng, ôtô, vé máy bay đều lên cao, bóp nghẹt túi tiền của các gia đình thu nhập thấp. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vì thế nâng lãi suất 11 lần liên tiếp để kiểm soát lạm phát. Hiện tại, CPI nước này chỉ tăng quanh 3%, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Các nhà kinh tế học đồng ý rằng phản ứng của Mỹ trong đại dịch đã giúp nước này tránh suy thoái. Tuy nhiên, chính sách này lại gây ra lạm phát - thách thức dai dẳng với chính quyền Joe Biden hiện tại.
Thương mại
Điểm chung trong chính sách điều hành kinh tế của Trump và Biden là đều dùng thuế nhập khẩu để giảm thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Điểm khác là trong khi Trump áp thuế với gần như tất cả hàng Trung Quốc, Biden lại chọn lọc một số sản phẩm, ví dụ xe điện.
Giữa tháng 5, Mỹ nâng gấp 4 lần thuế với xe điện Trung Quốc, lên hơn 100%. Giới chức Mỹ giải thích việc này nhằm bù đắp "các hoạt động và trợ cấp không công bằng của Trung Quốc" và tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất ôtô và công nhân Mỹ.
Thị trường lao động
Cả nhiệm kỳ của Trump và Biden đều ghi nhận thị trường lao động vững mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 3,6% cuối năm 2019.
Số liệu này tăng vọt khi đại dịch mới xuất hiện, nhưng sau đó giảm dần về 3,4% trong nhiệm kỳ của Biden và hiện tại đã duy trì dưới 4% trong hơn 2 năm.
Các nhà kinh tế học nhận thấy dù là vì cấu trúc dân số già hay nguyên nhân khác, Mỹ dường như luôn duy trì được nhu cầu lao động trong vài năm qua. Số người tham gia lực lượng lao động tại đây đang ngày càng tăng, sau khi sụt giảm thời kỳ đầu Covid-19.
Một điểm tích cực khác trong nhiệm kỳ của Biden là số doanh nghiệp mới thành lập tăng tốc. Ban đầu, giới phân tích cho rằng đây là phản ứng bình thường trong đại dịch, khi người dân muốn kiểm soát tốt hơn vấn đề thu nhập. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn duy trì sau đó, khiến các nhà kinh tế học khẳng định làn sóng khởi nghiệp đã hồi sinh.
Điểm khác nhau cơ bản giữa nhiệm kỳ của Trump và Biden là số người nhập cư dưới thời Biden tăng lên, khiến tốc độ tăng trưởng việc làm cũng cao hơn dự báo. Tăng trưởng lương dưới thời Biden cũng nhích lên, khi lao động thiếu hụt. Mức tăng mạnh nhất đến từ các công việc trả lương thấp nhất.
Thị trường chứng khoán
Dưới thời Trump, chứng khoán Mỹ khởi sắc, khi chỉ số S&P 500 tăng tới 70% và DJIA tăng 56% giai đoạn này. Trump luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nhiệm kỳ của mình và thường dùng mạng xã hội để khoe thành tích. Ông từng cảnh báo nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ gây ra "sự sụp đổ chưa từng thấy cho thị trường chứng khoán".
Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Sau thời gian chậm lại năm 2022 do Fed liên tục nâng lãi suất và thế giới ghi nhận nhiều biến động, giá cổ phiếu tăng trở lại khi giới đầu tư kỳ vọng Fed giảm lãi.
Năm ngoái, chỉ số S&P 500 tăng 24%, tập trung chủ yếu vào cuối năm. Năm nay, cả ba chỉ số chủ chốt là DJIA, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng liên tiếp lập đỉnh mới.
Hà Thu (theo Reuters, Vox)