Bên bờ sông Tel Aviv, công trường xây dựng khách sạn hạng sang Mandarin Oriental đang đình trệ. Cần cẩu và giàn giáo bỏ không. Gần 80% các dự án đang được xây dựng ở Israel gần như đóng băng.
Xung đột ở Gaza nổ ra đã kéo hoạt động tiêu dùng đi xuống. Một phần ba số nhà hàng ở các thành phố lớn vẫn chưa mở cửa trở lại do thiếu nhân viên và cả khách hàng. Hàng ngàn tình nguyện viên đang đến từ các thị trấn ở nông thôn để bù đắp cho việc thiếu công nhân. Các nhóm WhatsApp ra đời, huy động người đến bệnh viện và siêu thị. Nhưng rất khó để biết các giải pháp này có thể kéo dài khả năng đáp ứng lao động bao lâu.
Hơn hết, các công ty công nghệ cao đang chứng kiến lực lượng lao động lành nghề, đóng vai trò nghiên cứu và điều hành, giảm 10-15%, khi gần 360.000 quân dự bị được quân đội huy động, tương đương 10% lực lượng lao động.
Đóng góp 18% GDP Israel nhưng bao nhiêu startup sẽ vượt qua được?
"Tất cả hoạt động gây quỹ đều bị đóng băng và lĩnh vực này rõ ràng đang gặp khủng hoảng", Frédéric Samama, nhà đầu tư người Pháp làm việc tại Tel Avi, nói. Khó khăn đã bắt đầu từ lâu trước xung đột, khi lĩnh vực công nghệ toàn cầu chứng kiến nguồn vốn gây quỹ quý II chỉ còn 873 triệu USD, giảm đến ba phần tư so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, việc quân đội huy động nhiều nhân viên từ lĩnh vực này đang làm suy yếu thêm hoạt động giới startup, vì các chuyên gia về an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo thường nằm trong số những người trẻ nhất. Theo ông Samama, từ 20% đến 30% lực lượng lao động của công ty đang ở tiền tuyến.
Ami Daniel, Đồng sáng lập kiêm CEO Windward, startup phân tích vận chuyển cho biết hiện phải làm việc nhiều hơn và ngủ ít hơn khi nhiều nhân sự cấp cao ra trận. "Tôi có một giám đốc dự án đi làm tình báo, một nhà phát triển máy bay không người lái và một giám đốc dự án khác trong lực lượng pháo binh", ông kể.
Với 60% lực lượng lao động ở Israel và phần còn lại phân bố ở Ukraine, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu, Windward cho rằng công ty vẫn may mắn "quốc tế hóa đủ để đối phó với tình hình".
Việc huy động hàng nghìn quân nhân dự bị tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Giáo sư Nadine Baudot-Trajtenberg, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel (BCI), Giảng viên kinh tế tại Đại học Reichman cho biết công việc của vợ những quân nhân này bị ảnh hưởng lớn, vì Israel là quốc gia có tỷ lệ sinh rất cao, với trung bình mỗi phụ nữ sinh 3 con.
Ở phía nam Israel, gần dải Gaza, khu vực nông nghiệp chiếm 15% sản lượng sữa của cả nước gặp khó. Điều tương tự cũng xảy ra ở các vùng lãnh thổ xa hơn về phía bắc, gần biên giới với Lebanon, nơi lực lượng Hezbollah thân Iran tập trung đông đảo. Ngoại trừ người Trung Quốc, nhiều lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và dệt may - đặc biệt là công dân Thái Lan - đã yêu cầu được hồi hương vì lo ngại bất ổn.
Trong khi đó, lực lượng gốc Ả Rập làm việc tại Israel vấp phải nghi ngại. Alain Prasquier, doanh nhân người Pháp gốc Israel than thở tâm lý nghi ngờ đã xuất hiện. "Liệu chúng ta vẫn có thể mở cửa cho một người giao hàng có thể là kẻ sát nhân chứ?", ông giải thích.
Lãnh đạo một công ty giấu tên khác nói rằng có những ông chủ nghĩ công nhân Palestine đang làm việc tại Israel có thể là tình báo cho Hamas. Vì vậy, họ ủng hộ việc tuyển công nhân từ Ấn Độ vào thay thế lao động Palestine đến từ Gaza hoặc Bờ Tây.
Với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng để chi tiêu quân sự, nền kinh tế phát triển nhất Trung Đông sắp trải qua thời kỳ hỗn loạn hiếm thấy. Nhấn mạnh bối cảnh "bất ổn lớn" và giữ nguyên giả thuyết về cuộc chiến được kiềm chế gần Gaza, BCI mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP xuống 2,3% cho năm 2023, và dự đoán thâm hụt ngân sách sẽ nâng lên 2,3%. "Quy mô của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ phụ thuộc vào cuộc xung đột kéo dài bao lâu", Michel Stawczynski, nhà kinh tế tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, cho biết.
Cựu Phó thống đốc Baudot-Trajtenberg cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng, Israel có thể trông cậy vào dự trữ ngoại hối đáng kể, mức nợ công tương đối thấp - ở mức 60% GDP, và sự hỗ trợ quy mô lớn của Mỹ. Vào ngày 9/10, BCI đã mua vào số shekel trị giá 30 tỷ USD để cứu trượt giá cho đồng nội tệ này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã yêu cầu quốc hội tăng ngân sách, bao gồm gói viện trợ 14,3 tỷ USD cho Israel, trong đó 10,6 tỷ USD dành cho vũ khí.
Vai trò của chính phủ Israel trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi cú sốc chiến tranh rất quan trọng. Kế hoạch hỗ trợ khổng lồ "lớn và rộng hơn so với thời kỳ Covid" trị giá trên một tỷ USD đã được công bố. Lần đầu tiên, nó sẽ bao gồm tất cả lĩnh vực và khu vực của đất nước.
"Kinh nghiệm có được từ việc ứng phó đại dịch rất hữu ích trong những ngày đầu của cuộc chiến. Các trường học đã sẵn sàng cung cấp khóa học trực tuyến và chương trình hỗ trợ nền kinh tế đã được công bố trong thời gian ngắn kỷ lục", nhà kinh tế Stawczynski nhận xét.
Tuy nhiên, tình hình chính trị mong manh là thử thách không nhỏ. Ông Baudot-Trajtenberg cho biết nội các đang bị phân mảnh, điều có thể làm sự phối hợp diễn ra chậm chạp. Hôm thứ 26/10, Thứ trưởng Tài chính Michal Waldiger đã từ chức, muốn trở lại làm nghị sĩ quốc hội.
Chính phủ Israel cũng phải chi tiền để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy và tái định cư cho những cư dân, như ở Ashkelon, đã phải rời bỏ nhà cửa mà không có chỗ trú ẩn tên lửa. Các cơ quan xếp hạng quốc tế cũng đang theo dõi chặt chẽ nợ công nước này. Hôm 24/10, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm Israel từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng tác động đến nền kinh tế.
Kinh tế Israel chậm lại cũng có thể tác động đến khu vực. Tại Diễn đàn Riyadh hôm 25/10, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva lưu ý rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế láng giềng như Ai Cập, Lebanon và Jordan.
Joshua Levinberg, Đồng sáng lập của JAL Ventures và Gilat Satellite Networks, cho biết các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu đang cân nhắc kỹ và chờ xem tình hình tại Israel sẽ đi về đâu. "Chỉ những người dũng cảm nhất, hoặc có lẽ là thông minh nhất, mới có thể tận dụng sự mất giá của đồng shekel để kinh doanh tốt", ông nói.
Ở tuổi 70, Joshua Levinberg cũng là một cựu binh từng trải qua lửa đạn của "Cuộc chiến tháng 10" diễn ra năm 1973. Ông vẫn lạc quan trong dài hạn. "Về lâu dài, tôi chắc chắn rằng lĩnh vực này (startup) sẽ hoạt động tốt nhờ khả năng phục hồi của xã hội Israel", ông nói.
Phiên An (theo Le Monde)