Sau hơn một năm nhiều chỉ số kinh tế suy yếu, số liệu tuần này cho thấy xuất khẩu tháng 9 của Hong Kong tăng mạnh nhất 2 năm, nhờ hàng xuất sang Trung Quốc đại lục tăng 17%. Theo dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg, GDP quý III của nền kinh tế này có thể tăng 0,7% so với quý trước đó.
Đây sẽ là lần đầu số liệu này tăng kể từ khi cuộc biểu tình bùng phát năm ngoái. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 tại đây cũng tạm lắng từ tháng trước.
Điều đó sẽ đánh dấu lần đầu tiên kinh tế tại đây tăng trưởng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm ngoái. Đây là đợt suy thoái dài nhất của Hong Kong kể từ giai đoạn 1997 - 1998, đã bao gồm thời điểm Hong Kong được trao trả về Trung Quốc và khủng hoảng tài chính châu Á.
Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn còn sơ khai. Các nhà kinh tế cho biết thương mại và du lịch Hong Kong cần bật lại mạnh hơn nữa để duy trì quá trình quay về tăng trưởng dương. "Hong Kong cần mở lại biên giới với Trung Quốc đại lục thì mới có thể hưởng lợi từ sự phục hồi nhanh chóng ở đó", Tommy Wu - nhà kinh tế cấp cao của Oxford Economics tại Hong Kong, cho biết.
Hong Kong nằm trong nhóm nền kinh tế ở châu Á, bao gồm Singapore và Hàn Quốc, đang bắt đầu phục hồi sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp chống Covid-19. Dong Chen - chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á của Pictet Wealth Management, cho biết việc gỡ bỏ các hạn chế biên giới với đại lục sẽ mang lại lợi ích cho các ngành ngoài du lịch - như thương mại và tài chính. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhất của chính quyền đặc khu, ngoài ngăn chặn virus.
Người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính của Hong Kong Paul Chan cũng đánh giá, nếu dòng chảy người và thương mại giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục được khôi phục một cách an toàn, thành phố có thể "hồi sinh đáng kể" ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu vẫn bị kìm hãm.
"Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ở đại lục có thể là động lực chính hỗ trợ kinh tế Hong Kong", Chan nói, "Chỉ khi kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và giải quyết triệt để các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, chúng ta mới có thể thực sự tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phục hồi".
Trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết Hong Kong sẵn sàng mở lại biên giới với Trung Quốc từ góc độ kỹ thuật, nhưng cần có sự đồng thuận của hai bên. Trong khi đó, Hong Kong và Singapore đã thống nhất kế hoạch miễn cách ly bắt buộc, thay thế bằng xét nghiệm cho công dân hai hòn đảo này qua lại. Chương trình dự kiến áp dụng vào tháng tới.
Những nỗ lực kích thích kinh tế của Hong Kong vẫn đang được theo dõi sát sao. Thành phố này đã công bố khoản cứu trợ hơn 310 tỷ đôla Hong Kong (40 tỷ USD) trong năm nay. Tuy nhiên, suy thoái kéo dài khiến các cửa hàng phải đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất 16 năm, với 6,4% vào tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng cao hơn sau khi Cathay Pacific tuần trước cho biết sẽ cắt giảm hơn 5.000 việc làm và đóng cửa công ty con Cathay Dragon.
Iris Pang - kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING Bank NV cho biết Hong Kong, cũng như nhiều nước trên thế giới, phải tính đến chi phí con người của đại dịch. "Chắc chắn nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa biên giới. Nhưng thiệt hại về tính mạng, về mặt lý thuyết kinh tế, cũng sẽ làm tổn hại đến sự tăng trưởng dài hạn của một nền kinh tế", bà nói.
Phiên An (theo Bloomberg)