Hôm qua, chỉ số DJIA trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 1.000 điểm lần thứ 3 trong lịch sử. Giá vàng tiệm cận mốc 1.700 USD một ounce. Chứng khoán Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong sáng nay lao dốc. Còn giá dầu cũng có thời điểm mất hơn 4%.
Không khó để biết lý do nhà đầu tư lo lắng. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đi xuống, cùng việc nhà máy đóng cửa vốn đã được dự báo kéo tụt GDP Trung Quốc trong quý I, đồng thời gây sức ép lên thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, sự lây lan của dịch Covid-19 còn làm tăng thêm rủi ro với các nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm hơn Trung Quốc, như Đức, Italy và Nhật Bản.
Đến nay, 4 trong 12 nền kinh tế hàng đầu thế giới - đại diện 27% GDP toàn cầu - đang hối hả tìm cách kiểm soát dịch bệnh. Thậm chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước này có thể rơi vào suy thoái nếu dịch bệnh kéo dài, khoét sâu vào các điểm yếu cố hữu.
GDP Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giảm 1,6% quý cuối năm ngoái so với quý trước đó, do tác động từ tăng thuế tiêu dùng và siêu bão. Đây là mức giảm quý mạnh nhất kể từ năm 2014.
Giới phân tích lo ngại kinh tế Nhật Bản tiếp tục yếu đi trong quý này, do dịch Covid-19 lan rộng tác động đến sản xuất và du lịch. Dịch Covid-19 đang buộc các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa và số du khách Trung Quốc đến Nhật Bản giảm mạnh. Nếu tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, nước này sẽ rơi vào suy thoái.
Tương tự, GDP Italy đã giảm 0,3% quý cuối năm 2019 so với quý trước đó. Thậm chí, từ trước khi dịch bệnh bùng phát, một số nhà kinh tế học đã dự báo nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới rơi vào suy thoái đầu năm nay.
Italy đến nay đã ghi nhận hơn 220 ca nhiễm bệnh và 7 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm Covid-19 của Italy nằm tại vùng Lombardy và Veneto trù phú. Thủ phủ của Lombardy là Milan - cõ máy tăng trưởng của Italy. Phía tây Milan là Turin - quê hương của hãng xe Fiat Chrysler. Các hãng xe khác, như Ferrari thì nằm phía đông nam thành phố này. Milan cũng là nơi có nhiều hãng thời trang xa xỉ.
Giới chức nước này đã đóng cửa các tòa nhà công cộng, trường học, dừng các sự kiện thể thao tại khu vực chịu ảnh hưởng. Nhiều công ty như UniCredit - nhà băng lớn nhất nước này - đã khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà. Ngân hàng Unione di Banche Italiane cũng cho biết đã đóng cửa chi nhánh tại các vùng trên.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu thì đã không tăng trưởng trong quý IV/2019. Nước này lại đặc biệt dễ tổn thương với biến động từ Trung Quốc. Viện nghiên cứu Ifo tại Munich ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc cứ giảm 1%, tăng trưởng của Đức cũng sẽ mất 0,6%. Nguyên nhân một phần là các nhà máy Đức quá phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc.
Các nhà kinh tế học tại Berenberg bank hôm qua dự báo nền kinh tế này tăng trưởng âm trong quý đầu năm. Chỉ số niềm tin kinh tế Đức của Viện nghiên cứu ZEW cũng giảm mạnh trong tháng 2, phản ánh mối lo dịch bệnh có thể tác động lên thương mại toàn cầu.
Đức từng được dự báo tăng trưởng trở lại trong quý đầu năm nay. Nhưng dịch bệnh đã thay đổi tất cả. Deutsche Bank tuần trước đã gọi suy thoái trong nửa đầu năm nay là "rất có khả năng".
Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng dễ tổn thương. Oxford Economics dự báo cả xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này sẽ lao dốc do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc.
Tổ chức này cảnh báo ngành điện tử, ôtô và thiết bị điện của Hàn Quốc sẽ gặp khó do không lấy được linh kiện cần thiết từ Trung Quốc để duy trì hoạt động. Hyundai đã phải ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Hàn Quốc do thiếu nguyên vật liệu.
Và vì ngày càng nhiều người chọn ở nhà trong dịch bệnh để tránh lây nhiễm, nhu cầu tiêu dùng có thể giảm sút. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm Chủ nhật nhận định quốc gia này đang trong "giai đoạn bước ngoặt". Ông đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất và huy động thêm tài nguyên để đối phó dịch bệnh.
Ethan Harris - nhà kinh tế học tại Bank of America cho biết nhiều nền kinh tế nhỏ hơn cũng đang chịu nguy cơ tương tự. Hong Kong vốn đang chìm trong suy thoái. Singapore cũng khó thoát khả năng này. Còn tăng trưởng GDP quý IV của Indonesia đã chạm đáy 3 năm.
Tất cả những điều này đã vẽ nên bức tranh u ám về khả năng kinh tế toàn cầu chống chọi được cú sốc từ Covid-19. Harris cho rằng quý IV yếu đi do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Dịch bệnh chỉ càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu vẫn đang kỳ vọng các biện pháp mạnh tay của Trung Quốc làm chậm lại đà lây lan của dịch bệnh. Nếu các nhà máy Trung Quốc tái khởi động sớm sau thời gian dài đóng cửa, nền kinh tế lớn nhì thế giới cũng sẽ có cơ hội quay về đúng quỹ đạo trong quý II.
Theo kịch bản đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ giảm 0,1% so với dự báo trước đây, Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết. Dù vậy, bà cũng cảnh báo họ vẫn đang xem xét "các kịch bản u ám hơn" khi dịch bệnh "kéo dài và lan rộng".
Các ngân hàng trung ương lớn đã sử dụng phần lớn công cụ họ thường dùng để đối phó các cuộc suy thoái kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Khối nợ toàn cầu cũng đang ở mức kỷ lục. Vì thế, giới hoạch định chính sách cũng chẳng còn nhiều lựa chọn.
Diane Swonk - kinh tế trưởng tại Grant Thornton cho biết ngày càng nhiều nhà phân tích có chung nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ lãi suất. Việc này có thể diễn ra ngay đầu tháng tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Có thể người ta chưa gọi đây là đại dịch sức khỏe. Nhưng nó đã trở thành đại dịch kinh tế rồi", bà kết luận.
Hà Thu (theo CNN, NYT)