Trong 5 năm 2007 - 2011, tăng trưởng GDP của nền kinh tế chỉ đạt trung bình 6,5%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch 7,5-8% và thấp hơn mức trung bình 7,5% trong giai đoạn 5 năm trước đó. Duy nhất một năm (2008), Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,5%, một phần nhờ các rào cản thương mại giảm nhiều khi hội nhập.
Tuy nhiên từ giữa năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần, ở mức bình quân 6,1% trong giai đoạn 2008-2011, sang năm 2009 thậm chí rơi xuống 5,3%. Nền kinh tế vừa mở cửa một năm đã gặp ngay những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, suy thoái tài chính toàn cầu, khiến những yếu kém và hạn chế trong nội tại bộc lộ rõ nét hơn.
Tại Hội thảo sáng nay tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định hậu WTO, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã không đạt được như kỳ vọng trước đó. Ảnh: TB |
Chỉ có ngành nông lâm thủy sản là tăng trưởng cao hơn chút ít so với mục tiêu. Hai khu vực còn lại, công nghiệp - xây dựng lẫn dịch vụ đều kém khá xa so với kỳ vọng. Là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế (chiếm tỷ trọng 40%), ngành công nghiệp - xây dựng thậm chí sụt giảm mạnh so với thời kỳ trước WTO. Các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, như đưa nông lâm thủy sản chiếm 15, 16% GDP, công nghiệp - xây dựng lên 43 đến 44% GDP, dịch vụ 40 đến 41% GDP vào năm 2010 đều không thực hiện được.
Tăng trưởng kinh tế 5 năm sau WTO không chỉ kém 5 năm trước về tốc độ, mà chất lượng cũng giảm sút. Đặc biệt trong giai đoạn 2007-2010, hiệu quả kinh tế còn suy giảm mạnh
Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng sau WTO, trong khi những tác động của hội nhập tới FDI là rõ ràng, thì xuất khẩu của Việt Nam không hơn gì nhiều so với trước. Trong cả giai đoạn 2007-2011, xuất khẩu tăng 2,4 lần lên 96,9 tỷ USD, bình quân tăng trưởng 19,5% mỗi năm. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn giai đoạn 5 năm trước WTO (tăng 2,5 lần, bình quân mỗi năm 21,5%). Ngược lại, hội nhập kinh tế quốc tế lại khiến nhập siêu tăng mạnh, đạt 14,2 tỷ USD vào năm 2007 và 18 tỷ USD vào 2008, so với mức 5,1 tỷ USD vào năm 2006.
Không những thế, 60% kim ngạch xuất khẩu lại là do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Còn tăng trưởng ở nhóm các doanh nghiệp trong nước lại lùi dần. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nếu một ngày các nhà đầu tư nước ngoài chuyển việc kinh doanh sang quốc gia khác có giá lao động rẻ hơn thì xuất khẩu tuột dốc không phanh là điều không tránh khỏi, bà Phạm Chi Lan phân tích.
Hậu WTO, cán cân thanh toán quốc tế có những diễn biến phức tạp, với quy mô lớn hơn trong giai đoạn trước đó. Còn trong hệ thống ngân hàng, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn trong giai đoạn 2007- 2011 cũng làm rủi ro tài chính tăng lên đáng kể. Áp lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng càng trở nên nghiêm trọng khiến Chính phủ phải tái cơ cấu hệ thống này từ cuối năm 2011, mở đầu bằng việc sáp nhập 3 ngân hàng SCB, Đệ nhất và Tín Nghĩa. Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận xét, Việt Nam trở thành nền kinh tế dễ tổn thương nhất trước các cú sốc so với các nước Đông Á khác, cả cú sốc từ bên ngoài lẫn từ trong bên trong.
Đến 2013 - 7 năm sau gia nhập WTO, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực, từ nợ xấu đến lạm phát. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, lạm phát năm nay khó giữ ở mức 6%. Tín dụng tăng trưởng thấp nhưng cung tiền (tổng tiền gửi và tiền lưu thông trong nền kinh tế) vẫn đang tăng rất cao, năm ngoái tăng 22% và 3 tháng đầu năm nay vẫn tăng 3,5%.
"Ngân sách chưa bao giờ khó khăn như hiện nay", Tiến sĩ Thành nhận xét. Theo ông, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua cũng một phần do ngân sách đang gặp khó khăn. Trong khi đó, áp lực chi rất cao, nên để giữ được thâm hụt kinh tế không tăng thêm là không đơn giản. Theo ông, rủi ro cao nhất vẫn nằm nợ xấu ngân hàng. Sắp tới khi Việt Nam tính toán nợ xấu theo tiêu chuẩn mới thì tỷ lệ nợ xấu có thể còn tăng gấp đôi so với hiện nay.
Giữa những tiêu cực đó, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng "lờ mờ", theo nhận định của vị Tiến sĩ kinh tế. Xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay khá khá quan, đạt gần 30 tỷ USD. Tuy nhiên ông Thành cũng nhấn mạnh riêng 3 tỷ USD trong số này là do một doanh nghiệp FDI mang lại.
Cũng trong lĩnh vực xuất khẩu, một tín hiệu tích cực nữa là lần đầu tiên các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tăng trên 10% trong 3 tháng đầu năm nay, dù phần lớn nhờ vào việc xuất 400 triệu USD vàng. Nếu trừ vàng đi, thì mức tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước còn 5 đến 6%. Con số này vẫn khả quan hơn nhiều so với tỷ lệ tăng 1,3% của nhóm các doanh nghiệp nội năm ngoái.
Thanh Bình