Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh chóng ở Mỹ đang hứa hẹn giúp hàng triệu người dân nước này có thể quay lại nghỉ dưỡng ở bãi biển, tiệc tùng và lên xe du lịch đường dài. Ngược lại, người châu Âu có thể sẽ trải qua một mùa hè "đầy bất mãn".
Các chính phủ châu Âu từng hy vọng tiêm chủng đầy đủ cho một lượng dân số nhất định đầu năm 2021, để nới lỏng các hạn chế và cho phép người dân tận hưởng một mùa hè tương đối bình thường. Với hàng triệu doanh nghiệp ở Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha - nơi du lịch tạo ra một phần lớn việc làm và hoạt động kinh tế - đây sẽ là sự hỗ trợ lớn.
Nhưng thay vào đó, tốc độ tiêm chủng chậm chạp cộng với những lo ngại gần đây về vaccine AstraZeneca lại báo hiệu kinh tế châu Âu sẽ tụt xa so với Mỹ. Một số quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Tây Ban Nha thậm chí có thể suy giảm trở lại trong năm nay.
Các nước như Pháp và Italy đã khôi phục các hạn chế nghiêm ngặt và phong tỏa một phần để chống lây nhiễm đang ở mức cao. Theo dữ liệu của Google Mobility, số lượt ghé thăm các không gian bán lẻ và giải trí như nhà hàng, quán cà phê và trung tâm mua sắm ở Tây Âu hiện bằng nửa so với trước đại dịch. Ở Mỹ, tỷ lệ này chỉ thấp hơn khoảng 10% trước dịch.
Những hạn chế đó có nghĩa kinh tế eurozone dự kiến suy giảm trong quý I/2021 và bước vào cuộc suy thoái kép. Trong khi đó, Mỹ dự kiến tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ.
Chiến dịch tiêm chủng chậm chạp cho thấy kinh tế châu Âu vẫn sẽ sa lầy trong nhiều tháng. Chưa đầy 10% dân số các nước EU lớn như Pháp, Đức và Italy đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, rất thấp so với tỷ lệ 23% ở Mỹ.
EU đặt mục tiêu cho các nước thành viên là 70% dân số được tiêm chủng vào tháng 9, một mục tiêu mà hầu hết đều cho biết là sẽ đạt hoặc vượt. Nhưng tốc độ đó vẫn không chắc chắn do các vấn đề về nguồn cung và nhiều người đang từ chối tiêm vaccine của AstraZeneca.
Giorgio Ravecca điều hành một khu nghỉ mát ở bờ biển phía tây bắc Italy. Ông lo ngại chính phủ sẽ cắt giảm hoạt động du lịch biển trong năm nay. Trước đó, quốc gia này đã đóng cửa các đường trượt tuyết trong suốt mùa đông. "Nhà chức trách đã mất quá nhiều thời gian triển khai vaccine và đến mùa hè mới giúp chúng tôi là quá muộn", ông nói.
Du lịch và lữ hành đóng góp khoảng 13% GDP Italy, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới. Tỷ lệ đó với Tây Ban Nha là 14% và Hy Lạp là 21%. Trong khi đó, ngành này chỉ chiếm dưới 10% GDP ở Mỹ và phần lớn Bắc Âu.
Theo Oxford Economics, tổng doanh thu từ du lịch và lữ hành năm ngoái đã giảm một nửa ở Italy, xuống còn 88 tỷ euro; và giảm gần 2/3 ở Tây Ban Nha, xuống còn 44 tỷ euro.
Hiện chưa rõ các chính phủ có kế hoạch áp dụng những hạn chế nào cho mùa hè. Việc cho phép mọi người đi du lịch với ít hạn chế hè năm ngoái đã gieo mầm cho làn sóng đại dịch thứ hai tại châu Âu. Hy Lạp và Bồ Đào Nha cho biết sẽ bắt đầu mở cửa vào tháng 5 cho khách du lịch nước ngoài, nhưng sự tái bùng phát gần đây có thể trì hoãn kế hoạch này.
Trước khi các chương trình tiêm chủng bắt đầu gặp khó khăn, các nhà hoạch định chính sách dự kiến EU sẽ phục hồi nhẹ trong quý II và tăng trưởng nhanh trong suốt mùa hè. Theo kịch bản đó, GDP của gần một nửa trong số 19 thành viên eurozone sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Kinh tế EU sẽ tăng khoảng 4% năm nay, so với 6,5% dự kiến ở Mỹ.
Nhưng giờ, nếu việc mở cửa bị trì hoãn 3 tháng hoặc lâu hơn, EU sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm nay. Thay vì đạt mức GDP trước đại dịch vào đầu năm sau, nền kinh tế này sẽ không phục hồi cho đến cuối năm 2022. Hơn nữa, sự phục hồi chậm hơn có thể để lại thiệt hại lâu dài hơn.
Ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ vào hè này, EU dự kiến cả Italy và Tây Ban Nha sẽ không trở lại mức GDP trước đại dịch vào cuối năm 2022, muộn hơn một năm so với Đức, làm trầm trọng thêm sự phân cực lâu đời giữa Bắc Âu thịnh vượng và Nam Âu tụt hậu.
Trong khi ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, một số nhà sản xuất châu Âu đã điều chỉnh các hạn chế để tránh phải đóng cửa năm ngoái và có hướng phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Sản xuất công nghiệp ở eurozone tăng nhẹ trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước đó, kết thúc hai năm suy giảm. Vào tháng 2, lĩnh vực sản xuất của Italy đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp.
Barbara Colombo, CEO Ficep, một công ty Ý chuyên sản xuất máy công cụ cho ngành thép, đang vật lộn tuyển lao động cho nhà máy. Đơn đặt hàng của công ty đang thấp hơn khoảng một phần tư so với trước đại dịch, nhưng bà hy vọng tình hình sẽ được cải thiện.
"Có sự lạc quan thận trọng trong lĩnh vực máy công cụ. Các đơn đặt hàng đang đến và điều đó mang lại cho các công ty sự can đảm để đầu tư trở lại", bà chủ công ty 600 lao động nói.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất mạnh mẽ khó có thể bù đắp hoàn toàn sự yếu kém trong lĩnh vực dịch vụ. Các ngân hàng châu Âu cũng đang gây thêm khó khăn và tốn kém cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn, vì lo ngại đại dịch gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của họ, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuần trước, ECB cho biết sẽ đẩy mạnh việc mua nợ của khu vực đồng euro để kiềm chế chi phí đi vay tăng, trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa hơn và Fed giữ nguyên lập trường nới lỏng tiền tệ.
Phiên An (theo WSJ)