Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ còn kém nhiều so với Trung Quốc. |
Hai tác giả, ông Yasheng Huang, giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Công nghệ Massachussete (MIT), và ông Tarun Khanna, giáo sư Đại học Havard, cho rằng hai nước chọn hai con đường khác nhau trong cuộc đua phát triển kinh tế. Trung Quốc mở rộng cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi Ấn Độ phát triển các doanh nghiệp trong nước. Và cuối cùng thì quốc gia đông dân thứ nhì thế giới sẽ vượt lên về mặt kinh tế.
Ấn Độ "có vẻ sẵn sàng đón nhận nhiều FDI hơn trong những năm tới so với hiện tại", một phần nhờ chính sách thân thiện với Ấn kiều, hai giáo sư nhận định.
Trong thập kỷ 90, hơn nửa FDI đổ vào Trung Quốc xuất phát từ Hoa kiều, trong khi con số này ở nước Nam Á chỉ đạt 10%. Giờ đây, với thảm đỏ trải ra để chào đón vốn đầu tư của kiều dân, New Dehli sẽ chứng kiến dòng chảy vào không chỉ bằng tiền, mà cả chất xám quý giá của những người trí thức gốc Ấn.
"Với sự giúp đỡ của Hoa kiều, Trung Quốc đã thắng trong cuộc đua trở thành nhà máy của thế giới. Còn nhờ Ấn kiều, nước này sẽ biến thành phòng thí nghiệm công nghệ tầm cỡ toàn cầu", Khanna và Huang nói.
Theo đánh giá của hai giáo sư, sự bùng nổ ngành chế tạo theo hướng xuất khẩu của Trung Quốc "là kết quả của FDI, vốn nước ngoài đã thay thế hữu hiệu cho sức mạnh của các công ty bên trong đại lục". Huang nhấn mạnh rằng tại Trung Quốc có rất ít hãng tiếng tăm tầm cỡ cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Xét về mặt thu hút FDI, Ấn Độ quả thực còn xa mới bắt kịp Trung Quốc. Riêng năm 2000, Trung Quốc nhận 44 tỷ USD, Ấn Độ 3,4 tỷ. Chỉ 10% dân số Trung Quốc sống nghèo khổ, trong khi con số này của nước đối thủ là 25%. Bắc Kinh từ lâu đã có quan hệ thân thiện với các kiều dân giàu có của mình để thu hút đầu tư về nước, còn người Ấn sống ở nước ngoài không mặn mà với việc trở về, thậm chí cho tới gần đây họ vẫn còn bị chính phủ xa lánh.
Đổi lại, quốc gia Nam Á nỗ lực vun trồng một số công ty mạnh, có thể cạnh tranh ngang ngửa với những hãng lớn của Mỹ hay châu Âu. Những công ty Ấn này sử dụng công nghệ mới, thuộc các ngành dùng nhiều chất xám, như hãng phần mềm lừng danh Infosys, Wipro, các hãng dược phẩm nổi tiếng Ranbaxy, Dr Reddy's Labs. Trong thống kê của tạp chí Forbes năm ngoái về 200 công ty lớn nhất thế giới, có 13 đại diện của Ấn, và Trung Quốc chỉ có 4.
Cuối cùng, hai giáo sư kết luận Ấn Độ đang "hành động khôn ngoan" khi sử dụng nguồn lực bên trong, và cuối cùng có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc tranh đua về kinh tế với nước láng giềng.
T. Huyền (theo Hindustan Times)