Người bệnh có thể chấm dứt thời gian cách ly 10 ngày nếu không bị sốt trong 24 giờ, không cần thuốc hạ sốt và sức khỏe được cải thiện. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc suy giảm miễn dịch, bạn có thể cần cách ly lâu hơn.
F0 làm gì khi sống chung với người khác?
Nếu mắc Covid-19, bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác trong nhà bằng cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, mở cửa sổ và thực hiện các biện pháp sau:
- Tự cách ly trong phòng riêng và sử dụng phòng tắm riêng nếu có thể;
- Nhờ người nhà đưa đồ ăn thức uống lên cửa phòng, không đi vào bếp hoặc không gian sinh hoạt chung;
- Cân nhắc sử dụng đĩa, bát và đồ dùng một lần;
- Giao tiếp qua điện thoại;
- Thường xuyên khử trùng các bề mặt như tay cầm, núm vặn;
- Tất cả mọi người trong nhà nên rửa tay bằng xà phòng và nước.
Nhận biết triệu chứng
Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của Covid-19 có thể rất khác nhau. Một số người bị ho, đau đầu, trong khi người khác bị bệnh nặng và cần nhập viện hoặc không có biểu hiện bệnh.
Nếu bạn có các triệu chứng, chúng có thể ở dạng nhẹ, tương tự như cảm cúm. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Sốt và ớn lạnh, ho, mệt mỏi, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mất khứu giác và/hoặc vị giác.
Cách chăm sóc bản thân
Nâng đầu và thân trên
Khi nằm ngửa và áp lưng xuống giường, bụng sẽ đè lên cơ hoành, khiến bạn khó thở hơn. M. Nadir Bhuiyan, bác sĩ nội khoa tại hệ thống y tế Mayo Clinic tại Mỹ, khuyến cáo nằm tựa trên bề mặt nghiêng, giúp phần thân trên và đầu được nâng cao.
Thay đổi tư thế
Covid-19 có thể gây khó thở. Nếu bạn gặp tình trạng này, hãy yêu cầu hỗ trợ y tế ngay lập tức. Nếu bạn chỉ khó chịu nhẹ, không hít thở sâu như bình thường, có thể thay đổi tư thế nằm để dễ chịu hơn. Gregory M. Schrank, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống Y tế Đại học Maryland, khuyên thay đổi giữa việc nằm sấp và nằm nghiêng có thể cải thiện chức năng phổi và tạo cảm giác thoải mái.
Thực hiện các bài tập thở
Các bài tập thở có rất nhiều lợi ích, ngay cả khi bạn không bị ốm. Chúng có thể giúp bạn hấp thụ nhiều oxy hơn và bình tĩnh lại. Một kỹ thuật bạn có thể thử là thở mím môi. Ông Schrank cho biết bài tập này "giữ cho đường thở của bạn mở trong thời gian dài hơn". Các bước bao gồm:
- Hít sâu bằng mũi và ngậm miệng lại.
- Mím môi và thở ra từ từ.
Một kỹ thuật khác là thở bằng bụng (cơ hoành):
- Đặt một tay ngay dưới khung xương sườn và tay kia đặt trên ngực trên. Hít thở như khi bạn thở mím môi, nhưng tập trung vào chuyển động của cơ hoành. Bụng căng lên khi hít vào và xẹp xuống khi thở ra. Giữ yên tay trên ngực trên của bạn.
Uống đủ nước
Các triệu chứng như sốt, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy khiến cơ thể mất nước. Theo bác sĩ Bhuiyan, bạn có thể uống nước lọc bình thường. Tuy nhiên, cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng tốt hơn với một ít muối hoặc đường. Nước luộc thịt hoặc nước rau với một chút muối hoặc đồ uống chứa chất điện giải và đường có thể hữu ích.
Không bỏ ăn
Khi bị ốm, bạn có thể chán ăn, đặc biệt lúc gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, để khỏi bệnh, cơ thể cần thức ăn. Bhuiyan cho biết: "Bệnh nhân nên ăn một chút gì đó, ngay cả khi họ không đói. Súp là lựa chọn tốt vì ngoài chất lỏng, món này còn cung cấp chất béo, protein và muối".
Nghỉ ngơi và vận động
Bệnh nhân Covid-19 thường cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng. Nghỉ ngơi là một trong những giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, bạn không thể nằm mãi một chỗ. Ông Schrank cho biết: "Nằm trên giường cả ngày không giúp phục hồi nhanh chóng. Nếu bạn nằm trên giường trong thời gian dài, phổi sẽ không nở ra và hoạt động hết công suất. Điều này có thể kéo dài cảm giác mệt mỏi".
Ngoài các bài tập thở, hãy đi bộ một chút mỗi ngày. Nếu sống một mình, bạn có thể đi lại quanh nhà. Chỉ cần đi quanh phòng cũng có ích.
Cách theo dõi các triệu chứng
Theo dõi các triệu chứng giúp bạn đánh giá bệnh tình và đi khám kịp thời. Bạn nên lưu ý những điều sau:
Nhiệt độ cơ thể
Người bệnh nên đo nhiệt độ để biết mình bị sốt hay không. Nếu vừa uống thuốc giảm đau, bạn nên đợi ít nhất sáu giờ trước khi đo để có kết quả chính xác nhất.
Trong trường hợp bạn vừa tiêu thụ đồ nóng hoặc lạnh, nếu sử dụng nhiệt kế ngậm miệng, bạn nên đợi nửa giờ trước khi đo.
Nồng độ oxy trong máu
Máy đo nồng độ oxy có thể giúp bạn xác định tình trạng phổi, chẩn đoán sớm hiện tượng thiếu oxy thầm lặng. Thiết bị nhỏ có thể kẹp vào đầu ngón tay và đo oxy chỉ bằng một cái ấn nút.
Việc di chuyển quá nhiều hoặc sơn móng tay có thể ảnh hưởng đến kết quả đo. Bác sĩ Bhuiyan cho biết: "Hầu hết người khỏe mạnh không bị bệnh phổi hay tim mạch có nồng độ oxy khoảng 92%. Nếu chỉ số giảm dưới mức đó, bạn nên gọi bác sĩ".
Nếu bạn không có máy đo oxy hoặc quá mệt để theo dõi, ông Schrank cho rằng bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trong suốt cả ngày:
- Tôi cảm thấy yếu hay tốt hơn hôm trước?
- Tôi có thấy tốt hơn vào chiều nay so với buổi sáng không?
- Tôi có cảm thấy hụt hơi so với hôm qua không?
Nếu gặp các triệu chứng sau, bạn nên đi khám:
- Tức ngực: Đau ngực có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề, như đông máu hoặc viêm phổi.
- Thở gấp hoặc khó thở: Nếu bạn thở gấp, khó thở dù chỉ hoạt động gắng sức một chút, hãy đến phòng cấp cứu.
- Buồn nôn và nôn mửa: Nếu những triệu chứng này nghiêm trọng đến mức khiến bạn mất nhiều nước và khó ăn, bạn nên thông báo cho bác sĩ.
- Da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt: Dấu hiệu này cho thấy cơ thể bạn không được cấp đủ oxy. Tuy nhiên, điều này đôi khi không rõ ràng và phụ thuộc vào màu da.
- Đột nhiên đi lại khó khăn hoặc đầu óc bối rối: Ông Schrank cho biết đây có thể là dấu hiệu của nồng độ oxy thấp hoặc nhiễm trùng thứ cấp. Bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức.
Mai Dung (Theo Verywell Health)