Núi Bà Đen thuộc quần thể di tích Núi Bà, nằm ở địa phận xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, cách thị xã Tây Ninh khoảng 11 km về hướng đông bắc. So với hai ngọn Núi Heo và Núi Phụng trong khu vực, Bà Đen nổi bật với chiều cao 986 mét và được mệnh danh là "nóc nhà" Đông Nam Bộ.
Dưới đây là những lưu ý để bạn có một chuyến leo núi thuận lợi.
Chuẩn bị
Bạn nên chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoáng khí và co giãn tốt. Giày là thứ không thể thiếu cho bất kỳ hành trình leo núi nào. Những đôi giày đế có gai sẽ giúp bám đất tốt hơn.
Thức ăn nhẹ như socola, kẹo ngọt là món tốt nhất giúp bạn cân bằng năng lượng, đặc biệt đối với những bạn chưa quen với việc leo núi. Nước thì tùy nhu cầu và sức lực mà bạn sẽ cân nhắc để mang theo, trung bình 1 đến 2 lít là vừa đủ cho một người một ngày.
Bên cạnh đó, đường leo núi Bà Đen có độ dốc liên tục, nên bạn cần phải đảm bảo sức khỏe đủ để vượt đoạn đường này. Nếu quyết định cắm trại qua đêm, bạn nên chuẩn bị thêm thức ăn, quần áo chịu lạnh, đèn pin, và các dụng cụ cần thiết để dựng trại.
Đường đi đến núi từ TP HCM
Khoảng cách TP HCM - Tây Ninh tầm 100 km, du khách có thể đi xe bus, xe khách hoặc xe máy.
Từ trung tâm thành phố, bạn có thể bắt xe bus theo ba chặng: Bến Thành - Mộc Bài, Mộc Bài - Tây Ninh; sau khi xuống xe ở bến xe Tây Ninh, bạn tìm chuyến xe đến Núi Bà.
Nếu đi xe máy, bạn có 2 cung đường để lựa chọn. Hướng thứ nhất là từ trung tâm, bạn chạy theo quốc lộ 22A đến ngã 3 Trảng Bàng, rẽ phải theo tỉnh lộ 782 (đường Bời Lời, hướng đi về huyện Dương Minh Châu). Theo đường 782, bạn chạy khoảng 50 km là tới thị xã Tây Ninh. Cung đường này có nhiều đoạn hẹp, vài ngã 3 không có bảng chỉ đường.
Cung thứ hai cũng theo quốc lộ 22A, đến ngã 3 Trảng Bàng thì rẽ trái, chạy đến ngã 3 thị trấn Gò Dầu thì rẽ phải theo quốc lộ 22B. Sau đó bạn chạy thêm khoảng 60 km nữa là đến vòng xoay trung tâm TP Tây Ninh. Hướng đi này mất nhiều thời gian hơn.
Đường lên núi bằng cách đi bộ
Có 3 cách để du khách chinh phục ngọn núi này. Bạn có thể dùng cáp treo, máng trượt hoặc đi bộ. So với 2 hình thức còn lại, đi bộ tuy vất vả hơn nhưng là cách được nhiều người lựa chọn. Nếu đi bộ, bạn có thể lựa hướng đi theo đường cáp truyền hình, đường hướng lên chùa hoặc đường Ma Thiên Lãnh.
Cách khu du lịch núi Bà Đen gần 100 m có một dãy hàng quán bên tay trái, giữa dãy hàng này có một đường đất đỏ nhỏ. Đi vào sát chân núi bạn sẽ thấy đường dây cáp truyền hình. Bắt đầu từ đây, bạn sẽ men theo con đường mòn nhỏ để lên núi. Hướng này chủ yếu leo kiểu bậc thang.
Nếu chọn cách thứ hai, bạn theo hướng bậc thang lên chùa cho đến khi hết sẽ thấy một đường mòn nhỏ để đi tiếp. Hướng leo này tuy khó hơn nhưng sẽ mang lại cho bạn nhiều cảm giác, khung cảnh cũng đẹp và thoáng hơn nếu nhìn từ hướng đi này.
Đường đi thứ ba dài và dễ lạc nhất. Nếu lần đầu leo núi thì bạn không nên lựa chọn cung đường này.
Đường lên núi bằng cáp treo và máng trượt
Bạn chỉ mất khoảng 20 phút nếu đi cáp treo. Hệ thống dài 1,2 km, cao 225m sẽ là cơ hội cho bạn ngắm nhìn toàn cảnh những hang động, thảm thực vật xanh tươi bên dưới.
Nếu muốn thử một trải nghiệm mới, bạn có thể dùng máng trượt. Đường trượt uốn lượn bám theo đường cáp treo gồm 2 tuyến: tuyến lên dài 1.190 m và tuyến xuống dài 1.700 m. Ngược lại với cảm giác nhẹ nhàng ban đầu, khi trượt xuống du khách sẽ thấy như đang chơi một trò cảm giác mạnh, máng lao nhanh qua nhiều chặng quanh co.
Giá vé cho một lượt đi cáp treo và trượt máng là 85.000 đồng/ người lớn, 50.000 đồng/ trẻ em. Giá 2 chiều là 160.000 đồng/ người lớn và 90.000 đồng/ trẻ em. Trẻ dưới 0,9 m được miễn phí.
Chinh phục đỉnh núi
Trạm cáp treo, máng trượt chưa phải là đỉnh cao nhất. Để leo lên được đỉnh núi Bà, bạn phải vượt trên 7 km đường núi đá.