Địa hình núi rất phức tạp và thay đổi, biến dạng theo mùa rất rõ, nhất là vào mùa mưa bão, vì vậy trekking mùa mưa không phải là một cuộc dạo chơi. Dưới đây là kinh nghiệm trekking của nhiều phượt thủ, có thể áp dụng cho chuyến khám phá Tà Năng - Phan Dũng.
Luôn có phương án ứng phó với thời tiết khắc nghiệt
Nắng nóng, khô hạn hoặc mưa dầm dề, thậm chí lũ quét là những điều có thể xảy ra khi bạn đang ở trong rừng. Trước khi đi, bạn cần chuẩn bị cả về vật dụng, lương thực và cách xử lý. Đặc biệt là khi trời chuyển mưa, cần có đồ đựng chống nước, thay đổi nơi cắm trại, tránh vùng gió lớn, lương thực khô hoặc có dụng cụ nấu ăn trong lều. Một trong hai nguyên tắc bất di bất dịch của phượt thủ Hoàng Lê Giang người từng chinh phục Bắc cực là luôn có phương án dự phòng, thậm chí 2-3 phương án cho các tình huống giả định sẽ xảy ra.
Trưởng nhóm có kinh nghiệm, thông thạo địa hình nơi đến
Hiện nay có nhiều phượt thủ đứng ra dẫn đoàn, quản lý nhóm, tuy nhiên không phải ai cũng thực sự thông thạo và có kinh nghiệm đồi núi cũng như xử lý các tình huống phát sinh. Khác với nhóm đi phượt thông thường, một nhóm đi trek vào rừng núi cần có thể lực và kỹ năng tập thể, dưới sự dẫn đường và tổ chức của người trưởng nhóm có kinh nghiệm.
Phượt thủ Ngô Huy Hòa từng trek các núi cao ở phía bắc cho biết anh luôn thuê người địa phương, sống ngay vùng chân núi để dẫn đường (porter) vì họ hiểu rừng hơn ai hết. Có lần anh Hòa đi Pha Luông nửa đường gặp mưa lớn, anh quyết tâm quay lại dù các thành viên khác muốn đi. Hay lần leo Lảo Thẩn, Lào Cai anh bị trúng gió, được porter A Hờ đánh gió theo cách của người H’mong, cho ăn rễ cây rừng để hồi sức.
Đừng đi suối thác nếu bạn không có kinh nghiệm và kỹ năng
Anh Nguyên, ở TP HCM, đã hàng chục lần trek cung Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận) cho biết khu vực thác Yavly chỉ cao 400 m so với mực nước biển, là vùng trũng của khu rừng Phan Dũng, luôn bị nước lũ đổ về khi có mưa. Kể cả khi phía Phan Dũng không mưa, chỉ mưa bên Tà Năng, thì khu thác vẫn có nước lớn, chảy xiết.
Nếu thấy nước đục, mạnh thì không nên cố vượt qua, vì nước đang đổ xuống rất nhanh và rất nguy hiểm (trong vòng vài phút là từ mắt cá chân lên tới bụng). Chuẩn bị dây buộc chắc chắn để cả nhóm bám nhau khi qua suối. Tuyệt đối không đu dây leo thác hay trượt thác ở nơi hoang dã. Các nhóm phượt thường đi từ Tà Năng xuống, băng qua hai con suối để đến đỉnh thác, rồi vòng xuống chân thác để tắm và chụp hình.
Dù là mùa khô địa hình khu vực này cũng không dễ dàng, nhất là với người đến lần đầu, vì có nhiều phiến đá trơn, lồi lõm, nằm ở hõm nước. Hơn nữa, phượt thủ thường đeo balo nặng trên vai, nếu trượt chân thì mất thăng bằng, khó xử lý.
Khe nước nhỏ ở Phan Dũng trở thành dòng nước chảy cuồn cuộn vào mùa mưa. Video: Quang Trần.
Nếu bạn không phải người nhiều kinh nghiệm, có thể chọn đường khác không qua thác hoặc bỏ qua phương án đi trek mùa mưa. Theo anh Hòa, mùa khô mới là mùa leo núi, không mất sức, thời tiết ổn định và dễ thấy những khung cảnh đẹp.
Có bản đồ offline, GPS, tracklog về các cung đường sẽ đi
Tất cả thành viên trong đoàn đều biết rõ lịch trình, vùng đất đi đến. Trưởng nhóm cần thông tin đến đoàn để lưu lại bản đồ offline, sử dụng la bàn xác định phương hướng, đề phòng khi đi lạc, tách nhóm. Nếu thành viên không rõ chính cung đường mình đang đi, thì khi đi lạc hoặc bị tụt lại phía sau cũng sẽ có tâm lý hoang mang, lo sợ.
Biết kỹ năng sinh tồn: dựng lều, nhóm lửa, sử dụng đồ y tế, nấu ăn
Tự lo cho bản thân mình có đủ sức khỏe, chỗ ngủ, tự cứu thương là nguyên tắc bất di bất dịch khi trekking. Không nên phụ thuộc vào người khác, vào tập thể. Quang Trần (27 tuổi, Ninh Thuận) từng trek nhiều vùng núi phía nam chia sẻ, anh luôn có chiếc balo với đầy đủ lương thực và dụng cụ nhưng không quá cồng kềnh. Nếu đi lạc, phải ở lại rừng lâu hơn, cạn lương thực, bạn có thể sống bằng rau rừng, cá suối nhưng phải có kiến thức chính xác về động thực vật khu vực đó.