Sự kiện hợp nhất thiên hà có tên là IC 1623 trước đây đã được biết đến thông qua các quan sát từ kính viễn vọng không gian Hubble và nhiều kính thiên khác sử dụng ánh sáng quang học (loại bước sóng mà mắt người có thể nhìn thấy), nhưng vì IC 1623 bị bao bọc trong một lớp chắn bụi dày, các nhà thiên văn không thể quan sát sâu hơn để xem những gì diễn ra bên trong.
Với độ nhạy hồng ngoại và độ phân giải ấn tượng, kính viễn vọng không gian James Webb dễ dàng nhìn xuyên qua lớp chắn bụi của IC 1623, tiết lộ một vùng trung tâm đang tỏa ra rất nhiều ánh sáng hồng ngoại (về cơ bản là nhiệt).
Sự phát sáng này mạnh đến mức làm xuất hiện các gai nhiễu xạ 8 cạnh giống như bông tuyết - được tạo ra bởi sự tương tác của ánh sáng sao với cấu trúc vật lý của kính thiên văn.
Khi so sánh với hình ảnh trước đây chụp bởi Hubble, dữ liệu của Webb cho thấy một lớp hoàn toàn mới trong cấu trúc của hệ thống thiên hà hợp nhất, hiển thị như một vùng vật chất màu đỏ và cam rực rỡ trong bức ảnh được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hôm 25/10.
Hình ảnh tuyệt đẹp này được chụp bởi ba trong bốn công cụ chính của Webb, bao gồm máy ảnh cận hồng ngoại NIRCam, máy đo quang phổ cận hồng ngoại NIRSpec, máy ảnh hồng ngoại tầm trung MIRI.
Theo ESA, sự kiện va chạm trong IC 1623 đang kích hoạt quá trình hình thành sao một cách điên cuồng - được gọi là vụ nổ sao - nơi một loạt các ngôi sao mới được tạo ra với tốc độ nhanh hơn gấp 20 lần so với Dải Ngân hà.
Đoàn Dương (Theo Space/ESA Webb)