
Ba cột mây của tinh vân Đại bàng chụp bởi kính viễn vọng James Webb. Ảnh: NASA
Cấu trúc khổng lồ - cao tới 4 năm ánh sáng - được gọi là các Trụ cột Sáng tạo vì khí hydro và bụi dày đặc bên trong đang thúc đẩy quá trình hình thành sao mới. Là một phần của tinh vân Đại bàng trong chòm sao Cự Xà, cách Trái Đất khoảng 7.000 năm ánh sáng, ba cột mây biểu tượng này từng khiến các nhà thiên văn học sửng sốt với vẻ đẹp của chúng khi lần đầu tiên được chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble vào ngày 1/4/1995.
Trong bức ảnh mới được NASA cập nhật hôm 19/10, chụp bởi camera cận hồng ngoại NIRCam của kính viễn vọng không gian James Webb, các trụ cột hiện lên chi tiết chưa từng có với cấu trúc mây rõ nét và hàng trăm ngôi sao "vô hình" trong quan sát trước đây.
Nhiều ngôi sao trong số này được sinh ra chỉ vài trăm nghìn năm trước. Chúng là những quả cầu màu đỏ tươi, thường có ánh sáng nhiễu xạ và nằm bên ngoài các cột bụi.

So sánh ảnh chụp Trụ cột Sáng tạo từ kính Hubble (trái) và James Webb (phải). Ảnh: NASA/ESA
Dữ liệu mới sẽ giúp các nhà khoa học cải tiến mô hình hình thành sao, bằng cách xác định chính xác hơn số lượng của sao trẻ, cũng như lượng khí và bụi trong khu vực. Theo thời gian, họ có thể hiểu rõ hơn về cách các ngôi sao hình thành và bật ra khỏi những đám mây bụi này trong hàng triệu năm.
Kính viễn vọng không gian James Webb là công cụ quan sát vũ trụ hàng đầu hiện nay. Với độ nhạy gấp 100 lần Hubble, nó có thể nghiên cứu giai đoạn sơ khai nhất của vũ trụ, ngay sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,8 tỷ năm. Các vật thể càng ở xa thì ánh sáng của chúng càng mất nhiều thời gian để đến Trái Đất. Vì vậy, việc quan sát vũ trụ sâu thẳm chính là nhìn lại quá khứ xa xôi. Đó là lý do siêu kính viễn vọng của NASA được mệnh danh là "công cụ nhìn xuyên quá khứ".
Mặc dù quan sát cận hồng ngoại của Webb cho phép khám phá không gian sâu, không có thiên hà nào được nhìn thấy phía sau các cột mây trong ảnh chụp này. NASA giải thích rằng hỗn hợp bụi và khí trong mờ ở phần dày đặc nhất của đĩa thiên hà Milky Way hay Dải Ngân hà đang chặn tầm nhìn của chúng ta về vũ trụ sâu hơn.
Đoàn Dương (Theo Space/NASA)