Kết quả kinh doanh nói trên vừa được lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) công bố tại lễ triển khai nhiệm vụ năm 2013. Cụ thể, sau 12 tháng, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 21.200 tỷ đồng, tương đương 86% mức thực hiện của năm 2011 và 99% kế hoạch đề ra. Doanh nghiệp này cho biết đã nộp ngân sách 674 tỷ đồng, giảm khoảng 33% so với năm 2011.
Lãnh đạo Vinalines muốn xin miễn "bảo lãnh" với Vinashinlines. Ảnh: VNL |
Tính theo tỷ lệ góp vốn tại các công ty con, lãnh đạo Vinalines cho biết tổng công ty lỗ 2.439 tỷ đồng. Kết quả này được “lưu ý” chỉ có giá trị trong hợp các doanh nghiệp vận tải biển của tổng công ty này “áp dụng cơ chế tài chính”. Điều này không quá khó hiểu khi rất nhiều công ty con của Vinalines đang được hưởng các chế độ hạch toán như giãn khấu hao, bù lỗ do chênh lệch tỷ giá... trong giai đoạn khó khăn.
Mặc dù chuyện Vinalines lỗ không “lạ” nhưng đây là lần đầu tiên số liệu này được chính doanh nghiệp công bố. Trong giai đoạn 2007 - 2011, tổng công ty này đều báo lãi. Điển hình như năm 2011, mức lãi báo cáo là 62 tỷ đồng nhưng kết quả sau đó được cơ quan chức năng công bố là khoản lỗ 2.600 tỷ đồng.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Việt, trong năm 2012, để giảm lỗ, các đơn vị thuộc tổng công ty đã bán đi 10 tàu với tổng trọng tải 325.000 DWT. Đội tàu của Vinalines hiện còn 143 chiếc với trọng tải khoảng 3 triệu DWT. Năm 2013, tổng công ty này đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm so với mức thực hiện của năm 2012 và không đề cập đến vấn đề lợi nhuận.
Để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo Vinalines cũng kiến nghị bộ Giao thông, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho Vinalines không tiếp nhận nghĩa vụ bảo lãnh với Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Đây là một trong 4 đơn vị được chuyển giao cho Vinalines trong quá trình tái cơ cấu Vinashin nhưng lại là một trong những công ty làm ăn bết bát nhất của tổng công ty này hiện nay.
Kỳ Duyên