Tại cuộc họp ngày 9/8, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang dẫn tới việc hàng hoá của 2 nước sẽ khó tiêu thụ tại thị trường của nhau. Vì vậy, Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, hai nước cũng sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, cũng như các biện pháp phòng vệ với hàng hoá như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu.
Như vậy, theo ông Dũng, sẽ tăng nguy cơ hàng Việt Nam bị điều tra chống lẩn tránh thương mại. Khi chính sách bảo hộ gia tăng, các yêu cầu với hàng hóa xuất khẩu sẽ khắt khe hơn. Ví dụ, EVFTA yêu cầu, với ngành dệt may cần làm rõ xuất xứ "từ vải, sợi trở đi". Quy định nghiêm ngặt này có thể lan ra tương tự với sắt thép, nhôm... "Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì rất dễ bị kết luận là đang 'lẩn tránh' thuế và biện pháp phòng vệ thương mại", ông Lê Triệu Dũng nói.
Nhưng nguy cơ lớn hơn và gây ảnh hưởng kép tới Việt Nam là việc hàng hoá nước ngoài được nhập và chế biến đơn giản để xuất sang Mỹ né thuế.
Dữ liệu thống kê của cơ quan hải quan và Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018, 13/37 mặt hàng có xuất khẩu tăng đột biến sang các thị trường chủ lực: Mỹ, EU, Canada. Đến nửa đầu năm 2019 có thêm hai mặt hàng tăng đột biến. Riêng với Mỹ, một số mặt hàng như xơ sợi, sắt thép có lượng xuất khẩu tăng trên 81%, thức ăn gia súc tăng 50%, điện thoại linh kiện 92%, dây cáp điện tăng 172%, nguyên phụ liệu dệt may da giày cũng tăng hơn 50%...
Theo Cục Phòng vệ thương mại, nhóm mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra chống lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ, gồm kim loại (sắt, thép), một số mặt hàng tiêu dùng. "Điểm chung là có công đoạn gia công đơn giản ở bên ngoài nước sản xuất, nên nguy cơ cao bị dính gian lận xuất xứ", ông Chu Thắng Trung - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, với độ mở kinh tế lớn, khoảng 210% GDP, bất kỳ sự biến động của thị trường quốc tế sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
"Câu chuyện không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương giữa hai nước mà còn động chạm tới nhiều đối tác khác. Nguy cơ kép không chỉ chống bán phá giá, chống trợ cấp mà còn cả chuyển tải đầu tư, nên sẽ tác động kép tới nền kinh tế", ông Tuấn Anh nhận xét và đề nghị quản lý thị trường có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tình trạng chuyển tải đầu tư ông Tuấn Anh đề cập là việc hàng hóa nước ngoài "trung chuyển" qua Việt Nam nhằm lẩn tránh các biện pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại các nước.
Đại diện Tổng cục quản lý thị trường cho biết đã tập trung rà soát danh sách hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, đề xuất thành lập tổ kiểm tra có sự phối hợp từ hải quan để rà soát những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá Mỹ - Trung tăng cao, đột biến.
Tuy nhiên, một điểm yếu khá lớn là doanh nghiệp trong nước chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những điều tra, rào cản thương mại này. Trong khi đó, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có chiến lược ứng phó bài bản và sự hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài.
Không riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ, có doanh nghiệp lớn khi mở rộng đầu tư và xuất khẩu cũng vướng phải nhiều quy định của nước chủ nhà.
Minh chứng từ thị trường như Canada, ông Linh cho rằng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi từ thị trường này cũng như được miễn trừ các biện pháp tự vệ. Dù vậy thời gian tới khi mức tăng trưởng xuất khẩu cao, nếu không có các giải pháp để chủ động ứng phó thì nguy cơ bị áp dụng các biện pháp tự vệ sẽ tăng lên.
"Vụ sẽ cập nhật các chính sách từ thị trường nhập khẩu của Việt Nam để xây dựng danh sách mặt hàng cảnh báo sớm, giảm nguy cơ rủi ro bị đưa vào diện điều tra của đối tác," ông Tạ Hoàng Linh thông tin thêm.
Anh Minh