Trên Twitter sáng 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới Việt Nam như một thị trường thay thế cho các công ty sản xuất tại Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định nỗi sợ của nền kinh tế thứ hai thế giới là việc khách hàng chọn mua sản phẩm thay thế từ quốc gia khác.
Những đánh giá của Tổng thống Donald Trump, thực tế, đã được các đơn vị phân tích nhắc đến từ cách đây một năm, khi hai cường quốc lớn nhất thế giới bắt đầu xảy ra xung đột. Việt Nam, từ giai đoạn đầu của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã được dự báo là một trong số ít thị trường hưởng lợi.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings trong báo cáo mới đây đánh giá, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của cuộc căng thẳng thương mại từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Tháng 12/2018, hai nước đình chiến 90 ngày để chờ đàm phán một thỏa thuận thương mại. Hết thời hạn trên, Mỹ vẫn hoãn nâng thuế và hai nước tỏ ra lạc quan về việc đạt thỏa thuận.
Tuy nhiên, đầu tháng 5, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.
Những đánh giá tích cực này được xem là một trong những lý do khiến nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam có phần bình tĩnh trong phiên sáng 14/5, bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc liên tục lao dốc. VN-Index, sau phiên giảm mạnh đầu tuần trước, đã trở lại trạng thái giằng co, bất chấp những căng thẳng ngày một leo thang. Phiên giao dịch hôm nay, thậm chí chỉ số đại diện cho HoSE vẫn đang duy trì sắc xanh, trái ngược với cảnh bán tháo tối qua tại những chỉ số chủ chốt của thị trường Mỹ như Dow Jones hay S&P500.
"Không phải nhà đầu tư không quan tâm đến chiến tranh thương mại mà thực tế Việt Nam được dự báo là một trong số ít thị trường sẽ có lợi trong ngắn hạn. Không có lý do cho sự bi quan quá đà", ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm vĩ mô thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) chia sẻ với với VnExpress sáng nay (14/5).
Theo chuyên gia này, những dự báo được đưa ra trước đó vẫn không có gì thay đổi, nhiều ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi để "thay thế" cho hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ, cùng với đó là sự chuyển dịch đầu tư từ nền kinh tế thứ hai thế giới sang những thị trường lân cận sẽ thúc đẩy dòng chảy FDI.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực trong ngắn hạn, góc nhìn dài hơi hơn về trạng thái mới của thương mại toàn cầu lại cho rằng Việt Nam sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng từ "cơn bão".
Trả lời VnExpress về ảnh hưởng của Việt Nam khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, không quốc gia nào nằm ngoài "cuộc chiến" này và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
"Mọi người vẫn nói Việt Nam sẽ là nước có lợi khi chiến tranh thương mại nổ ra. Nhưng theo tôi, với những biện pháp đáp trả nhau giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới, mọi người đều sẽ bị thiệt", ông Hải đánh giá.
Giải thích thêm về quan điểm này, CEO HSBC Việt Nam cho rằng, khi hàng rào thuế quan được đẩy lên mức độ mới, tất cả hàng hóa đi theo chuỗi cung ứng toàn cầu đều sẽ bị tác động, và đó không chỉ là câu chuyện của riêng Mỹ hay Trung Quốc. "Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay rất phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau. Khi dòng chảy thương mại toàn cầu có xáo trộn, ảnh hưởng với những quốc gia trên dòng chảy đó là tất yếu. Còn Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 200% GDP", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam bình luận.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại có thể chỉ ở mức độ ban đầu, còn nhiều thứ khác đằng sau bức tranh này. Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại tới sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ tác động nhiều đến những quốc gia đang phụ thuộc vào điều này như Việt Nam.
"FDI là đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam, chỉ cần một yếu tố tạo ra sự xáo trộn của dòng vốn này thì kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. Ví dụ điển hình là giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều doanh nghiệp FDI đã rút khỏi thị trường và chuyển về nước sở tại, dòng vốn đầu tư đã gặp gián đoạn và tác động rất lớn tới nền kinh tế", ông Hải nhận xét.
Ông Bùi Nguyên Khoa cũng cho rằng, về ngắn hạn Việt Nam sẽ hưởng lợi khi giành được thị phần từ tay các nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng khi xáo trộn thương mại toàn cầu diễn ra trên diện rộng và trong thời gian dài, không quốc gia nào thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
"Điều đáng sợ nhất khi chiến tranh thương mại leo thang là dòng chảy thương mại bị gián đoạn, ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, lợi ích ngắn hạn từ một số ngành hàng được hưởng lợi chưa chắc đã bù lại được tác động về dài hạn", ông Khoa bình luận.
Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội (NCIF - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng từng đưa ra ước tính, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0,12% vào 2020-2021. Tuy nhiên, ước tính này đưa ra giữa năm 2018, với kịch bản Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, trong khi quy mô cuộc chiếm thương mại hiện nay đã tăng lên rất nhiều.
Trước diễn biến Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi các nước thao tùng tiền tệ, chuyên gia từ BSC cho rằng việc đưa vào danh sách theo dõi như một "tấm thẻ vàng", nhưng chưa chắc Việt Nam đã có trong danh sách chính thức. Những động thái kịp thời từ phía Chính phủ, như cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ hôm qua, là một tín hiệu tích cực cho thị trường.
Về khả năng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách bảo hộ tiêu cực lên các thị trường ngoài Trung Quốc, chuyên gia từ BSC cho rằng "cuộc chiến Mỹ - Trung không chỉ giới hạn về mặt thương mại mà thực tế là sự mở rộng trong mối quan hệ nhiều mặt giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới".
Ông Khoa không cho rằng Việt Nam sẽ bị áp thuế. "Việt Nam và các thị trường xuất khẩu khác như một phương án thay thế cho hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế. Nếu Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ lên các thị trường này thì người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là người tiêu dùng Mỹ", ông Khoa đánh giá.
Minh Sơn