Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông - Trương Minh Tuấn vừa có buổi làm việc với Đại sứ Ted Osius xung quanh những hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam trong lĩnh vực mà ngành phụ trách. Đánh giá cao việc hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã có mặt tại thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định quan điểm luôn tạo thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại.
Như trường hợp gần đây của Google, đại diện Chính phủ cho biết các văn bản pháp luật hiện không hạn chế hoạt động của hãng này cũng như các mạng xã hội khác mà chỉ hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội có liên quan đến pháp luật Việt Nam.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị ngài Đại sứ khuyến nghị doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng phối hợp với cơ quan quản lý của Việt Nam để cùng duy trì và phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, chống vi phạm pháp luật, gây mất ổn định và xâm hại truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Lãnh đạo ngành cũng mong muốn Sứ quán Mỹ hỗ trợ thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới như Google, Facebook..., qua đó xử lý các sai phạm trên môi trường Internet.
Đại sứ Ted Osius cho biết ông ủng hộ các đề xuất này của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đồng thời bày tỏ quan tâm đến câu chuyện bảo vệ sở hữu trí tuệ trên Internet. Vị này cũng chỉ ra 3 trang web tại Việt Nam cần truy tố hình sự vì vi phạm bản quyền là Putlocker, 123movies và Kisscartoon.
Chia sẻ đây cũng là vấn đề mà Việt Nam rất quan tâm, ông Trương Minh Tuấn yêu cầu Thanh tra Bộ sớm ra quyết định xử lý 3 trang web nêu trên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý trên thực tế, ngay trên các kênh YouTube, nhiều video cũng đã được sản xuất với nội dung sử dụng hình ảnh vi phạm bản quyền của các tổ chức của Việt Nam, cắt ghép, lấy câu chữ của các phần tử xấu... Bộ trưởng đã đề nghị đơn vị điều hành là Google cần có ngay các biện pháp xử lý, trong khi nhà chức trách cũng xem xét các doanh nghiệp, người dùng vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phát hiện có 15 kênh, tài khoản đưa lên YouTube hơn 8.000 video nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật Việt Nam như: bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc... Các video đó còn được gắn nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam. Ngay sau đó, các doanh nghiệp sở hữu các nhãn hàng đều khẳng định sẽ chấm dứt quảng cáo trên kênh này nếu tình trạng trên không được khắc phục.