Lúc 17h ngày 9/7, các điểm thu đổi tự do gần chợ Bến Thành, quận 1 (TP HCM) chào giá thu gom 21.550 đồng mỗi đôla, giảm trên dưới 120 đồng so với đầu ngày. Giá bán cũng về 21.740-21.750 đồng, giảm 70-80 đồng mỗi USD so với sáng. So với đỉnh cao 21.890 đồng của ngày 8/7, tỷ giá đã giảm tổng cộng 150 đồng.
Tại Hà Nội, các điểm kinh doanh vàng, ngoại tệ bắt đầu hạ giá mua - bán đôla từ sáng và đến chiều, nhiều điểm thu đổi báo giá bán ra 21.630 đồng, giảm 120-150 đồng so với một ngày 8/7.
Theo các chủ cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại TP HCM, thị trường bắt đầu sốt từ cuối 28/6, ngày Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1% lên 21.036 đồng. Thời điểm đó, mỗi USD bán ra tăng từ 21.300 đồng lên 21.400 đồng, đến sáng 8/7 thì vọt lên đỉnh điểm 21.890 đồng.
Giải thích về đà sụt giảm nhanh trong ngày 9/7, đại diện một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi, quận 1 (TP HCM) cho rằng, hiện tại nguồn cung USD của các cửa hàng đang khá dồi dào, diễn biến tỷ giá vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào lực cầu trên thị trường. "Khi lực cầu yếu, tức khắc giá USD sẽ được điều chỉnh xuống, để kích thích mua vào", bà nói.
Tỷ giá chợ đen giảm nhanh diễn ra khi giá vàng trên thị trường quốc tế tăng nhanh, chênh lệch mua vào bán ra tại các tiệm vàng co hẹp. Thông tin các ngân hàng đã tất toán hoàn toàn trạng thái huy động vàng sau phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước sáng 9/7 cũng tác động phần nào.
Chiều 9/7, trong khi tỷ giá niêm yết tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn giữ mức kịch trần 21.246 đồng thì đôla trên thị trường liên ngân hàng cũng bắt đầu "hạ sốt". Một lãnh đạo của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết hầu như không có giao dịch nào trên liên ngân hàng và tỷ giá cũng đã giảm mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín không tiết lộ tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng chiều 9/7, chỉ cho biết đã giảm 100 đồng so với 8/7.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối Ngân hàng Quốc tế VIB chia sẻ, thực ra nguồn cung USD hiện nay không phải là quá khan mà chủ yếu do yếu tố tâm lý chi phối. Hơn nữa, tại Việt Nam hay có tình trạng, cứ thấy giá USD hay vàng tăng thì đổ xô đi mua, tạo ra sự khan hiếm giả tạo. "Chỉ cần nhà điều hành đưa ra định hướng rõ ràng thì sẽ giảm tâm lý kỳ vọng của người giữ USD và giá tất yếu hạ nhiệt", ông nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng sở dĩ tỷ giá hạ nhiệt do các ngân hàng đã ngừng dần việc mua vào ngoại tệ bù trạng thái ngoại hối.
Theo ông, trước đây khi lãi suất tiền đồng cao, nhiều nhà băng đẩy mạnh bán ngoại tệ đổi lấy VND cho vay. "Nay chênh lệch giữa hai đồng tiền này xích lại gần nhau hơn họ phải mua vào để lập lại trạng thái", ông Nghĩa cho biết.
Trao đổi với VnExpress, một nguồn tin là thành viên của cơ quan tư vấn chính sách tiền tệ thông tin thêm, ước tính trạng thái ngoại hối âm của các ngân hàng trước đó khoảng 1-1,2 tỷ USD. "Thời gian vừa rồi sau khi mua vào hoàn lại trạng thái thì chỉ còn âm khoảng 200 triệu USD nên tỷ giá cũng hạ nhiệt hơn", vị này nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết cơ quan này cùng với các đơn vị liên ngành cùng nhau đi kiểm tra và xử phạt nghiêm các điểm mua bán ngoại tệ trái phép phần nào lập lại sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Việc tỷ giá có đợt tăng mạnh ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ thêm 1% khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nạn đầu cơ, găm giữ USD trục lợi của các ngân hàng vẫn chưa được triệt tiêu. Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nắn gân các nhà băng việc cố tình đầu cơ, đẩy tỷ giá tăng cao.
Ông cũng khẳng định, nếu các ngân hàng vẫn cố tình khiến tỷ giá căng thẳng, không loại trừ việc nhà điều hành sẽ hút tiền về.
Lệ Chi - Thanh Lan