Trong bối cảnh kinh tế nội địa tăng trưởng chậm lại và Tổng thống Mỹ Donald Trump có các chính sách khó đoán, Bắc Kinh đã dùng truyền thông để phản đối các chính sách của Mỹ, đồng thời ám chỉ có thể cắt nguồn cung đất hiếm. Thời kỳ này, họ vẫn luôn cẩn thận để không khiêu khích ông Trump quá đà, hay khiến quan hệ hai nước xuống cấp nhanh chóng. "Họ vẫn đang chật vật tìm cách giành được quyền lợi mà không hủy hoại mối quan hệ", Bonnie Glaser - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) nhận định.
Để tìm ra cách hành xử phù hợp với ông Trump, Trung Quốc cần cân nhắc mục tiêu của ông với sự biến động trên chính trường Mỹ, các thị trường tài chính và các quan điểm trái chiều trong chính quyền Mỹ. Họ cũng phải hiểu rõ ông Trump có ý gì khi nói "chưa sẵn sàng" đạt thỏa thuận với Trung Quốc, và liệu ngưỡng chịu đựng của ông có đang chuyển hướng trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn ổn định, còn Trung Quốc đã có dấu hiệu yếu đi hay không.
Vài tuần gần đây, chính quyền Trump liên tiếp đưa ra những lời đe dọa và khiêu khích với Bắc Kinh. Sau khi nâng thuế với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%, Mỹ tiếp tục đưa ra các lệnh tác động tiêu cực đến việc kinh doanh của hàng loạt hãng công nghệ Trung Quốc.
Thông thường, bất kỳ động thái nào như vậy cũng sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra lời đe dọa đầy giận dữ. Năm 2017, Lotte Group (Hàn Quốc) đồng ý bán đất cho Seoul để Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trung Quốc phản đối động thái trên, nói THAAD sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Giới chức Trung Quốc sau đó đã cho ngừng hoạt động hơn một nửa số siêu thị của tập đoàn này tại đây với lý do vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, lần này, phản ứng của Bắc Kinh với Washington lại thận trọng hơn. Truyền thông Trung Quốc đăng tải hàng loạt bài báo đổ lỗi cho Mỹ về sự bế tắc trong đàm phán, đồng thời ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ lại không đề cập trực tiếp đến tên ông Trump hay các quan chức khác. Và dù đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ, quan chức Trung Quốc cũng chưa đưa ra chi tiết.
"Anh có thể thấy mỗi hành động, mỗi câu phản đối trên truyền thông, cũng như phát ngôn chính thức đều được chuẩn bị kỹ và kiểm soát chặt", Wang Peng - nhà nghiên cứu tại Học viện Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết. Mục tiêu của Bắc Kinh là thể hiện "Trung Quốc không bao giờ đầu hàng, nhưng cánh cửa đàm phán cũng sẽ không bao giờ đóng lại".
Giới chức kinh tế Trung Quốc vẫn lạc quan rằng họ có thể chống chịu được ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế lại chỉ ra bức tranh của Trung Quốc không thực sự màu hồng. Kể cả trước khi Mỹ nâng thuế với hàng Trung Quốc, xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này tháng 4 đã giảm. Doanh số bán lẻ cũng yếu hơn dự báo.
Một hạn chế khác của Bắc Kinh là họ đã xây dựng hình tượng ủng hộ toàn cầu hóa. Vì thế, các biện pháp như làm gián đoạn hoạt động của công ty Mỹ tại Trung Quốc có thể khiến cuộc chiến thương mại kéo dài và ảnh hưởng đến hình ảnh của chính Bắc Kinh. Sáng hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy còn cáo buộc các hành vi của Mỹ là "khủng bố kinh tế".
Có thể một trong những lợi thế lớn nhất của Trung Quốc là người Mỹ cũng không ủng hộ thuế của ông Trump. Dù các nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ngày càng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, các cuộc khảo sát chỉ ra phần lớn người Mỹ cho rằng chính họ sẽ phải trả giá cao hơn và không tin vào khẳng định của ông Trump rằng Bắc Kinh mới là bên chịu trận. Các cuộc khảo sát cũng chỉ ra nhiều người Mỹ đồng ý với các nhà kinh tế học rằng các cuộc chiến thương mại của ông Trump đang gây thiệt hại hơn là hỗ trợ nền kinh tế.
Dù vậy, nhiều quan chức Mỹ lại cho rằng Bắc Kinh đang không thành thật. Một người cho biết trên Bloomberg rằng không tin vào lời đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc. Người này cho rằng Bắc Kinh vẫn đang chật vật tìm cách trừng phạt Mỹ và giành lợi thế. Một nguồn tin khác thì khẳng định Mỹ đã dự báo được Trung Quốc sẽ đưa ra lời đe dọa này và nghiên cứu các hậu quả.
Giới chức Trung Quốc cũng hiểu ông Trump có nhiều vũ khí mạnh trong cuộc xung đột này. Mỹ đang nghiên cứu các lựa chọn để ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ chủ chốt. Họ cũng siết dần xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI), robot hay in 3D.
Dù vậy, khi Bắc Kinh còn muốn đạt thỏa thuận, họ sẽ còn khó khăn trong việc ăn miếng trả miếng tương đương với Washington. "Trung Quốc không muốn chia tách hai nền kinh tế đâu", Dennis Wilder - giáo sư tại Đại học Georgetown nhận định, "Nếu đẩy sự việc đi quá xa, họ có thể rất khó quay lại".
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.
Hà Thu (theo Bloomberg)