WSJ dẫn lời các quan chức thân quen cho biết, Bắc Kinh đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho khả năng sụp đổ của quả bom nợ Evergrande. Đây là tín hiệu cho sự miễn cưỡng trong việc cứu trợ doanh nghiệp này.
Nguồn tin này mô tả Bắc Kinh ra lệnh "sẵn sàng cho cơn bão có thể xảy ra". Các chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước đã được hướng dẫn chỉ xử lý hậu quả vào phút chót nếu Evergrande không xử lý được vấn đề một cách trật tự. Đồng thời, các chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng bất ổn và giảm thiểu hiệu ứng xấu lan rộng với người mua nhà và nền kinh tế.
Evergrande đến hạn phải thanh toán khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD vào hôm qua (23/9). Tuy nhiên, nguồn tin của WSJ cho biết đến cuối ngày hôm qua, các trái chủ vẫn chưa nhận được thanh toán. Những người sở hữu trái phiếu của doanh nghiệp này vẫn hoang mang chưa biết có được trả lãi hay không khi thông tin hiện tại vẫn không được cập nhật.
Evergrande có thể thực hiện thanh toán muộn và được ân hạn 30 ngày trước khi bị coi là vỡ nợ. Một đợt thanh toán bị lỡ sẽ tạo tiền lệ cho một vụ vỡ nợ trái phiếu USD lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp châu Á. Tuy nhiên, gần đây nhất là hồi tháng 6, Evergrande vẫn khẳng định họ chưa trễ hẹn một đợt thanh toán trái phiếu nào kể từ khi thành lập năm 1996.
Chính quyền địa phương đã được lệnh tập hợp các nhóm kế toán và chuyên gia pháp lý để kiểm tra tài chính xung quanh hoạt động của Evergrande tại các khu vực tương ứng. Đồng thời, họ cũng được yêu cầu trao đổi với các nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân tại địa phương để chuẩn bị tiếp quản các dự án bất động sản địa phương, cũng như thiết lập đội ngũ pháp lý để theo dõi phản ứng của người dân. Các đại diện của Evergrande và văn phòng thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc chưa bình luận về vấn đề này.
Tuần trước, Evergrande cho biết đã thuê cố vấn tài chính và nhắc lại rằng vỡ nợ là một rủi ro. Công ty cảnh báo về áp lực to lớn với dòng tiền và tính thanh khoản. Tuy nhiên, Evergrande khẳng định đang "tăng cường thực hiện các biện pháp để giảm bớt khủng hoảng thanh khoản" và các cố vấn sẽ tìm cách để đạt được "một giải pháp tối ưu cho tất cả các bên liên quan".
Tập đoàn bất động sản 25 năm tuổi này có khoảng 800 dự án đang được triển khai và trải rộng trên hơn 200 thành phố ở khắp Trung Quốc. Những bê bối ngày càng sâu sắc về tài chính của quả bom nợ này đã làm chao đảo các nhà đầu tư, nhân viên, nhà thầu và người mua nhà và bắt đầu tràn sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc.
Một số dự án bất động sản của công ty này đã bị đình chỉ vì chậm thanh toán cho các nhà cung cấp và nhà thầu. Một số nhà thầu không được trả tiền và người mua nhà đã biểu tình trước các văn phòng của Evergrande.
Theo một số nguồn tin của WSJ, Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính - cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc đầu tháng này đã yêu cầu chính quyền các tỉnh thành lập các nhóm công tác để giám sát bất ổn xã hội và kinh tế xung quanh Evergrande.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đang xem xét dần nới lỏng một số hạn chế tài sản ở các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, như khiến cho việc sở hữu ngôi nhà thứ hai trở nên dễ dàng hơn. Họ cũng có thể nới lỏng một số biện pháp giảm bớt nợ nghiêm ngặt đối với các nhà phát triển bất động sản - yếu tố đã đẩy quả bom nợ Evergrande đến bờ vực phá sản gần đây. Dù vậy, bất kỳ sự nới lỏng chính sách nào như vậy sẽ chỉ giới hạn ở các thành phố nhỏ và sẽ không thay đổi chiến dịch lớn hơn trên toàn quốc nhằm kiềm chế lĩnh vực bất động sản, nguồn tin của WSJ nói.
Theo số liệu chính thức, bất động sản trực tiếp chiếm 7,3% GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bất động sản và các ngành liên quan đến bất động sản phải đóng góp đến một phần ba vào nền kinh tế nước này.
Trung Quốc đã phải vật lộn trong nhiều năm để điều chỉnh các chính sách nhà ở. Giá đã tăng đều đặn kể từ khi thị trường bất động sản được tự do hóa hơn hai thập kỷ trước. Những năm gần đây, giá cả đã tăng cao ngoài tầm với của nhiều hộ gia đình. Điều này làm tăng mức nợ của các công ty, hộ gia đình và làm dấy lên lo ngại về một bong bóng sắp căng.
Gần đây, ổn định thị trường đã trở thành ưu tiên của ông Tập Cận Bình, khi các quan chức nước này lặp đi lặp lại quan điểm "nhà là để ở, không phải để đầu cơ". Cuối hè năm ngoái, các nhà chức trách lo ngại rằng thị trường nhà ở trở nên quá nóng và đã đưa ra một loạt chính sách để hạ nhiệt lĩnh vực này, nhất là để kiềm chế việc các nhà phát triển bất động sản vay nặng lãi.
Tiêu biểu nhất trong các biện pháp năm ngoái là chính sách "ba lằn ranh đỏ" yêu cầu các chủ đầu tư giảm mức nợ xuống dưới ngưỡng nhất định trước khi họ có thể vay thêm tiền từ các tổ chức tài chính. Để tuân thủ, Evergrande đã phải thoái bớt cổ phần tại các mảng không trọng yếu gồm có cả hãng xe điện. Gần đây, Evergrande cũng phỉa bán cổ phần trong mảng kinh doanh internet.
Tú Anh (theo WSJ)