Chiều 27/6, được Thủ tướng yêu cầu báo cáo về tình hình hai dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định và hội đồng đã tiến hành xem xét báo cáo của chủ đầu tư, nhưng qua thẩm định bước đầu còn một số vấn đề Bộ yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung làm rõ.
Cho đến nay, dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A cho đến nay đã qua 6 năm nhưng cuộc tranh luận xây hay không vẫn chưa ngã ngũ bởi các tranh luận về pháp lý và môi trường.
Cách đây 2 tuần, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, đây là hai dự án nằm trong quy hoạch của ngành điện, sau khi có quy hoạch, chủ đầu tư đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài. Do đó, nếu đưa ra khỏi quy hoạch ngay bây giờ thì cũng nên xem xét.
Tuy nhiên, thông qua kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định và khảo sát thực tế tại hiện trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, bên cạnh những mặt tích cực của dự án như: sẽ sản xuất ra 929,16 triệu kWh và nộp thuế hàng năm cho ngân sách khoảng 300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống cộng đồng dân cư khu vực thực hiện dự án; điều hòa dòng chảy của đoạn sông Đồng Nai sau khi qua công trình Thủy điện Đồng Nai 5... , một số vấn đề môi trường có liên quan của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, thỏa đáng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường, các dự án thủy điện phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, nếu ảnh hưởng đến môi trường và các vấn đề xã hội khác thì Bộ sẽ làm theo pháp luật. "Chúng ta cũng phải thấy là đang kêu gọi đầu tư, nhà đầu tư vào rồi thì cũng phải trân trọng, xử lý hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân", Bộ trưởng Quang nói với báo chí bên lề Quốc hội.
Thủy điện Đồng Nai 6 với công suất 180MW, vốn được đưa vào quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai do Thủ tướng phê duyệt từ năm 2002, được điều chỉnh lại thành 2 bậc thang là thủy điện 6 và 6A năm 2009. Việc điều chỉnh này giúp tăng công suất lên tới 241 MW, giảm diện tích sử dụng đất của dự án từ 1.954 ha xuống còn 372,97 ha. Với công suất này, hai thủy điện có thể đáp ứng đủ nhu cầu của ba tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước.
Theo chủ đầu tư, hai thủy điện này làm theo kiểu đập dâng (không phải thủy điện hồ chứa), trả nước lại cho dòng sông ngay sau đập nên không gây đoạn sông chết. Thủy điện sử dụng turbin Kaplan có khả năng phát điện với cột nước thấp, thậm chí với dòng chảy nhỏ hơn dòng chảy thấp nhất ở mùa kiệt hiện tại, nên có thể hoạt động 24/24 và không làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở hạ lưu.
Nguyễn Hưng