-
13h15
Khai mạc Triển lãm Thành tựu Kinh tế tư nhân 2019
Sau 7 phiên Hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời sáng 2/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 bước vào phiên Toàn thể trong buổi chiều.
Đây là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, gần 50 ủy viên trung ương Đảng, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các tỉnh. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP HCM và ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội tham dự với tư cách khách mời.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp lớn tiêu biểu như Vietjet Air, VinFast, Tập đoàn TH... cùng 2.500 doanh nghiệp khác.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ BlueScope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, CMC, VNPT, Hiệp Phước, TomoChain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC, Tourzy. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
-
13h20
Thủ tướng đi thăm các gian hàng tại Triển lãm
Đông đảo quan khách và đại diện các doanh nghiệp có mặt tại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia chuẩn bị tham dự diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Nhiều phóng viên, quay phim đã chờ sẵn trước sảnh để cập nhật thông tin về diễn đàn.
Bên trong sảnh, các gian hàng từ những nhà tài trợ cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời. Gian hàng Vinfast nổi bật khi trưng bày mẫu ôtô do hãng sản xuất. Nhiều khách mời check-in và chụp ảnh cùng sản phẩm của Tập đoàn Vingroup. Bên cạnh đó, nhiều người tò mò thử nghiệm với kính thực tế ảo tại gian hàng của Sunworld, Tourzy... Ở những gian hàng khác, khách mời cũng được giới thiệu cụ thể về thương hiệu tham gia diễn đàn.
-
13h29
Thủ tướng cắt băng khai mạc Triển lãm
Trước giờ Phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Với khoảng 30 gian hàng, triển lãm tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, y dược, công nghệ, vận tải...thuộc nhiều tập đoàn, công ty tên tuổi như VinFast, Agribank, MXP, BIM Group, TTC, Grab, TomoChain...
-
14h05
Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc Diễn đàn
Mở màn bài phát biểu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Với sự có mặt đông đảo lãnh đạo, cơ quan trung ương địa phương, khách quốc tế, nhà khoa học hôm nay, hơn 2.500 doanh nhân sẽ đề cập những vướng mắc để tháo gỡ những rào cản, thách thức.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.
Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này. "Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa", Thủ tướng nói.
Gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng gợi mở một số điều để phát huy lợi thể của cộng đồng doanh nhân. Đó là làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng.
-
14h12
Thủ tướng: 'Doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước'
Thủ tướng lấy dẫn chứng về những chiến công hào hùng của dân tộc. Nếu tính tổng nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ trong quá khứ nhưng vẫn chiến thắng nhờ nội lực vững mạnh, phát huy điểm mạnh của mình. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Câu hỏi được Thủ tướng đặt ra: "Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?"
Thủ tướng nhấn mạnh, những doanh nghiệp, doanh nhân ngồi tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn.
Ông cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân doanh nghiệp. Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó là lòng yêu nước. Các doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu. "Các doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững", Thủ tướng nói.
Có nhiều câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Đó là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức mạnh mềm để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới. Thông qua diễn đàn này, Việt Nam sẽ chắt lọc được nhiều ý tưởng tinh túy, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
-
14h33
Cần tạo nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn
Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. "Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn", ông nói.
Thủ tướng dùng 10 từ cho khu vực này, đó là: Sự bình đẳng, được Bảo vệ, Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân.
Nói về bình đẳng, đó là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khách, nhất là tiếp cận nguồn lực. Đặc biệt, cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.
Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh.
Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
-
14h39
Thủ tướng trả lời câu hỏi về khởi nghiệp
Ban tổ chức đặt câu hỏi cho Thủ tướng tại Diễn đàn: "Với việc hoà mình vào dòng chảy 4.0, ý tưởng mới có thể thay đổi mô hình kinh tế truyền thống, Chính phủ có nhiều hành động để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về phát triển kinh tế số. Để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Thủ tướng và Chính phủ có quyết sách nào để ý tưởng khởi nghiệp nghiệp phát triển mạnh hơn?"
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã thảo luận với các trường đại học cũng như doanh nghiệp trẻ về đổi mới. "Nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn", ông nhận định.
Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư.Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh; có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công; Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường.
Về hạ tầng: Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh.
Về thị trường: cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.
-
14h43
Ông Nguyễn Văn Bình: "Nền kinh tế phải vỗ tay bằng 2 bàn tay là Nhà nước và thị trường"
Sau 2 câu trả lời của Thủ tướng trong phiên đối thoại, người điều phối đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương về kỳ vọng của ông đối với Diễn đàn kinh tế tư nhân. Tác động của sự kiện trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10.
Trên cương vị là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 10, ông Bình khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động nguồn lực xã hội. Nghị quyết này là kết tinh tinh hoa, đúc kết kinh nghiệm từ trước và có tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của thế giới.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề cập nhiều nội dung cốt lõi. Đầu tiên, đó là thống nhất trong nhận thức thì mới có hành động thống nhất. "Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân, ông Bình nói.
Theo ông, chỉ khi hiểu thấu đáo, xuyên suốt mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế hóa tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân những gắn chặt với lợi ích đất nước.
Thứ hai là giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường. Ông Bình dẫn chứng, trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội, tại nhiều nước, có khi tuyệt đối vai trò kinh tế nhà nước, nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. Đôi khi cũng có tại nhiều nước tư bản cũng tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm, và họ phải thừa nhận vai trò nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng 2 bàn tay: nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết. Thị trường và đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội
Vấn đề thứ 3 được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề cập là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, có sức cạnh tranh. Để làm điều đó, Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế vĩ mô, cải thiện chính sách, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.
-
14h50
Muốn Nghị quyết 10 thành công như 'Khoán 10'
Theo ông Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh số 10 cho nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân thể hiện mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước nhằm đạt được nhiều kết quả thắng lợi giống như nghị quyết khoán 10 trong ngành nông nghiệp.
Trước câu hỏi "Làm sao để nghị quyết này đi vào đời sống nhân dân", ông cho biết đó cũng là trăn trở của các lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước. Diễn đàn chính là nơi để các bên có thể cùng trao đổi, tìm ra các giải pháp cải thiện và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, ông Bình nói.
-
14h54
Cần hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân
Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những vấn đề then chốt để hoàn thiện thể chế các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân.
Theo ông, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hoá về các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân. Nhờ cơ chế chính sách tạo ra, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển tích cực. Hết năm 2018, Việt Nam có 715.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông nhận định vẫn có một số vấn đề cần giải quyết:
Thứ nhất là việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Một vấn đề nữa là những chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt. Thời gian làm thủ tục quản lý còn nhiều. Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có một triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt 715.000, đây là một thách thức.
Điều đó đặt ra bài toán cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, luật công chức viên chức, chế độ kinh tế, chính sách kinh tế, như luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai.
Những luật này phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất...Ngoài ra, cần cố gắng để giảm những chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh, cùng với đó là những chi phí không chính thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp.