Thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 6/2 cho biết, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép giao nhận hàng hoá tại cửa khẩu nhưng phải kiểm dịch, đảm bảo yêu cầu chống dịch. Ngoài ra, tàu liên vận, máy bay chở hàng được cấp phép hoạt động, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Tại cuộc họp của Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa hải quan chiều 6/2, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng có tình trạng cứng nhắc trong xử lý hàng hoá thông quan tại cửa khẩu. Ông nói, các cơ quan đưa ra văn bản không phù hợp khi "đình chỉ xuất cái này, nhập cái kia", ảnh hưởng tới bao tiêu hàng hoá qua biên giới.
Tới nay, nhiều container đã được thông quan trở lại. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, hiện vẫn có quy định cách ly 14 ngày với tài xế chở hàng qua biên giới Trung Quốc. Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, Bộ này đã đề nghị Bộ Y tế thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu tuyến hai. Tại cuộc họp với Phó thủ tướng, ông đề nghị Bộ Y tế sớm trả lời để đàm phán với phía Trung Quốc, thống nhất quy trình phòng dịch bệnh"
Trả lời, đại diện Bộ Y tế nói "dịch nCoV chỉ lây qua người chứ không lây qua hàng hoá". Vì thế Bộ này sẽ thống nhất với Bộ Công Thương quy trình kiểm soát, phòng dịch với hàng hoá thông quan tại cửa khẩu để tránh ách tắc, ảnh hưởng kinh tế.
Nói thêm về việc nông sản ùn ứ, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương cho biết, hiện chỉ thông quan được hàng xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng. Trong khi phần lớn các xe container thanh long tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái... là xuất theo đường trao đổi cư dân biên giới. Theo ông, phải tới khi các chợ đầu mối biên giới mở cửa trở lại (9/2), hàng hoá mới được lưu thông trở lại.
Đến hết ngày 6/2, 60 container thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã được thông quan, vẫn còn tồn 200 container.
"Lạng Sơn đã thông quan được một số khối lượng nhất định do chủ hàng đồng ý chuyển sang xuất theo chính ngạch, chịu thêm thuế VAT. Còn tại Móng Cái, Lào Cai chưa thể xuất được do chủ hàng không đồng ý chuyển xuất chính ngạch, quyết chờ đợi chợ đầu mối biên giới mở cửa", ông Khánh cho biết.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản. Năm 2019, xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản sang Trung Quốc đạt gần 8,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ; thuỷ sản đạt 1,23 tỷ USD, cao su 1,55 tỷ USD hay rau quả hơn 2,4 tỷ USD.
Anh Minh - Viết Tuân