Ngày 10/5, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.
Tại sự kiện, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt 1,5-1,7Gbps - vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương tốc độ của cáp quang thương mại. Đại diện Viettel cho biết sẽ mở rộng thử nghiệm 5G tại Hà Nội, TP HCM.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết đơn vị này đang xây nhiều nhiều phương án tính giá cước 5G khi đưa vào triển khai thương mại. Tuy nhiên, có thể nhà mạng sẽ không tính theo dung lượng mà dựa trên trải nghiệm của khách hàng.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sự kiện này đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới, sau Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Chúng ta muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, muốn phát triển ICT, để người dân và doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Đó là lý do tại sao cần triển khai sớm 5G", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại sự kiện.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Việt Nam sẽ cho thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại năm 2020 và sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.
Tập đoàn Ericsson (Thuỵ Điển) là đơn vị đồng hành cùng Viettel trong việc triển khai thử nghiệm mạng 5G. Hoạt động này diễn ra sau 3 tháng kể từ ngày Viettel nhận giấy phép thử nghiệm của cơ quan quản lý. Hiện mới có 2 nhà mạng được cấp phép thử nghiệm 5G là Viettel và MobiFone.
Mục tiêu của quá trình thử nghiệm là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ Thông tin & Truyền thông đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện đại. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hoá dịch vụ 5G vào năm 2020 theo đúng kế hoạch.
Nguyễn Hà