- -
I. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG VÀNG
1. Bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng giai đoạn trước năm 2012
Từ năm 1999, hoạt động kinh doanh vàng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ (Nghị định 174). Tuy nhiên từ năm 2008 trở lại đây, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng, các bất ổn kinh tế vĩ mô làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, gia tăng lạm phát và làm tăng nhu cầu nắm giữ vàng trong nền kinh tế. Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, giá vàng thế giới đã biến động mạnh, có thời điểm lên tới 300% so với năm 2008. Trong bối cảnh đó, cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 174 và chính sách huy động, cho vay vốn bằng vàng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:
Thứ nhất, không có các quy định quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường. Do đó, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện tự do tại khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, dẫn đến vàng miếng dần dần trở thành phương tiện thanh toán, khó quản lý. Trong nhiều thời kỳ, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, nhiều đối tượng có hành vi làm giá, đầu cơ gây khan hiếm cung giả tạo, đồng thời tung tin đồn gây nên các “cơn sốt vàng” làm cho người dân đổ xô đi mua vàng. Khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức trên 400 nghìn đồng/lượng, trên thị trường thường xuất hiện tình trạng nhập khẩu vàng lậu. Để ổn định thị trường trong giai đoạn này, hàng năm NHNN phải cho phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng (nhập lậu cũng khoảng 50-70 tấn). Toàn bộ lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng được lấy từ nền kinh tế. Do vậy, nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Thứ hai, các quy định của pháp luật về chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng không đồng nhất, còn phân tán, không rõ ràng, do vậy, đã tạo ra nhiều kẻ hở trong quản lý; hoạt động quản lý nhà nước không phát huy hiệu quả khi thị trường có biến động.
Thứ ba, chính sách cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được huy động và cho vay vốn bằng vàng nảy sinh nhiều bất cập trong bối cảnh giá vàng thế giới và trong nước biến động tăng mạnh.
Từ năm 2000, thực hiện chủ trương khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, NHNN đã ban hành Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN cho phép các TCTD được huy động, cho vay vốn bằng vàng và chuyển đổi 30% nguồn vốn huy động bằng vàng sang VND. Chính sách này đã phát huy tác dụng trong giai đoạn giá vàng thế giới và trong nước ổn định.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay khi thị trường vàng thế giới và trong nước biến động tăng mạnh, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập và không phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường. Việc cho phép huy động, cho vay vàng và chuyển đổi vàng thành tiền gián tiếp dẫn tới tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế, làm gia tăng tình trạng đầu cơ vàng, nắm giữ vàng trong nền kinh tế và rủi ro lớn cho chính TCTD và người vay vàng.
Do vậy, việc xây dựng, ban hành khuôn khổ pháp lý mới là yêu cầu cấp thiết.
2. Xây dựng khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng
Các định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về quản lý thị trường vàng:
Tại Kết luận số 02/KL-TW ngày 16/03/2011, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về xây dựng Dự thảo Nghị định theo hướng tăng cường quản lý thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người nắm giữ vàng, quan tâm đúng mức đến nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để ổn định tâm lý, tránh gây biến động cho thị trường, tổ chức lại thị trường vàng.
Ngày 24/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Chính phủ đã có chỉ đạo: “Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II năm 2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới”.
Tại Thông báo số 298/VPCP-KTTH ngày 30/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý về thị trường vàng, hoạt động kinh doanh vàng, quản lý xuất nhập khẩu vàng; tiếp tục duy trì quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân và phải thực hiện tại đơn vị có đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Từng bước hạn chế sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong dân cư”.
Tại Thông báo số 497/VPCP-KTTH ngày 17/05/2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh “Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung các điều kiện để đảm bảo được sự quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trong tình hình mới, kể cả việc cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua, bán các loại vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu; sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ”.
Mục tiêu xây dựng khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng:
Căn cứ vào định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về quản lý thị trường vàng, khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng phải đáp ứng các mục tiêu chính sau đây:
Một là: đảm bảo và bảo vệ quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân.
Hai là: tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng.
Ba là: ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế; nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; có giải pháp để từng bước huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bốn là: nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước.
Quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng:
Trên cơ sở các định hướng của Đảng, Chính phủ về quản lý thị trường vàng, các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng đã được xây dựng và ban hành, bao gồm: (i) Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) và các Thông tư hướng dẫn đi kèm; (ii) Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ (Nghị định 95) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng; (iii) các quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng; trong đó Nghị định 24 và các văn bản quy phạm pháp luật đi kèm là trụ cột.
(i) Xây dựng Nghị định 24/2012/NĐ-CP:
Tại Thông báo số: 369/TB-VPCP ngày 30/12/2009 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát lại tất cả các quy định hiện hành về quản lý vàng để trình Chính phủ ban hành một Nghị định quản lý đối với vàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước Việt nam thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với vàng theo quy định tại Điểm h, khoản 1, Điều 5 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam”. Như vậy, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được khởi xướng xây dựng rất sớm, từ giữa nhiệm kỳ Quốc hội và nhiệm kỳ Chính phủ khóa trước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 04/3/2010 đã thành lập Ban soạn thảo liên ngành và Tổ Biên tập đối với Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế nghị định số 174 với 17 thành viên đại diện của các bộ ngành liên quan. Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã tiến hành tổng kết thực trạng hoạt động kinh doanh vàng, việc thực hiện các quy định của Nghị định 174; tham khảo kinh nghiệm quản lý hoạt động kinh doanh vàng của một số nước; xây dựng đề cương, dự thảo Nghị định; đánh giá tác động của Nghị định đối với các đối tượng áp dụng. Đã tổ chức nhiều cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập và một số tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và tổ chức lấy ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập, các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội kinh doanh vàng, Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Ban soạn thảo cũng đã hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy định. Chính phủ và thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về nội dung dự thảo Nghị định.
Ngày 03/04/2012, sau gần 2 năm soạn thảo, trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, của Văn phòng Chính phủ, ý kiến biểu quyết bằng văn bản của các Thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2012.
(ii) Xây dựng Nghị định 95/2011/NĐ-CP:
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước nói chung và Nghị định 24 nói riêng, ngăn chặn tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, hạn chế tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Nghị định 95 đã nâng mức xử phạt và bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
(iii) Biện pháp chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng:
Để thực hiện chủ trương xóa bỏ tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế tiến tới chuyển hóa quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng, trong năm 2011 và 2012, NHNN đã ban hành hai văn bản chấm dứt hoạt động này (Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD và Thông tư số 12/2012/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2011/TT-NHNN).
3. Kết quả sau một năm triển khai khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng
Mặc dù mới chính thức có hiệu lực thi hành gần một năm nay, nhưng khuôn khổ pháp lý mới mà nòng cốt là Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đã khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng giai đoạn trước và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.
Nghị định 24 khẳng định: “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy đinh của pháp luật” (mục 1, điều 4 Nghị định 24). Các nội dung quy định khác của Nghị định đều nhằm thực thi và bảo vệ quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Đã thiết lập được một mạng lưới mua bán vàng miếng mới, có tổ chức, có quản lý, gồm 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có đủ điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng, với gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép và phải niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, chất lượng, mẫu mã và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo và bảo vệ.
Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; kể từ ngày 25/05/2012 không tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng. Đây là biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường đảm bảo chất lượng vàng miếng cho người dân và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu cũng như tạo điều kiện để kiểm soát vàng nhập lậu. Những diễn biến trên thị trường vàng một năm qua đã cho thấy hiệu quả của khuôn khổ pháp lý mới về lĩnh vực này. Như đã trình bày ở trên, trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, mỗi khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có mức chênh lệch từ 400 ngàn VNĐ trở lên là lập tức có nhập lậu vàng với quy mô lớn, làm cho tỷ giá biến động mạnh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất - nhập khẩu, làm tăng chỉ số giá cả, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong thời gian vừa qua, mặc dù giá vàng thế giới có biến động mạnh, có những lúc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến 5-6 triệu VNĐ nhưng tỷ giá vẫn ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn tăng mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định; đã ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhập lậu vàng.
Nghị định 24 cho phép NHNN được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối nhà nước và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Ngoài ra NHNN cũng quy định các TCTD không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng. NHNN cũng nghiêm cấm các TCTD cho vay để kinh doanh vàng miếng. Những quy định trên đã có tác dụng rất quan trọng trong việc ngăn chặn đầu cơ cũng như hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua mặc dù giá vàng thế giới biến động rất mạnh nhưng thị trường vàng trong nước vẫn khá ổn định, không có những cơn ”Sốt vàng”, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng như trước đây, không còn hiện tượng ”làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ, hiện tượng vàng hóa đã được kiềm chế, vai trò điều tiết của nhà nước đã được thể hiện rõ.
Khắc phục bất cập của việc cho phép các TCTD huy động, cho vay và chuyển đổi vàng thành tiền trước đây, hạn chế rủi ro cho các TCTD, người dân; thực hiện chủ trương xóa bỏ tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế; chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng” sang quan hệ “mua, bán vàng”, trong năm 2011 và 2012, NHNN đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt hoạt động này. Đồng thời, NHNN đã triển khai các giải pháp đồng bộ như xây dựng lộ trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD, giám sát chặt chẽ, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đẩy nhanh quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Toàn bộ hoạt động cho vay vốn bằng vàng đã chấm dứt vào 01/5/2011 và hoạt động huy động vốn bằng vàng đã chấm dứt vào ngày 25/11/2012. Tính đến ngày 03/5/2013, các TCTD đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn) tạo nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống TCTD, từ đó loại trừ khả năng đổ vỡ TCTD, làm ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống có nguồn gốc từ hoạt động huy động và cho vay bằng vàng (thực tế này đã được chứng minh qua sự kiện người dân ồ ạt rút vàng ra khỏi ACB và một số TCTD khác vào giữa năm 2012), góp phần kiềm chế đầu cơ và tình trạng “vàng hóa”.
Nghị định 24 nghiêm cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; Nghị định 95 có chế tài xử lý nghiêm các hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Đồng thời, NHNN đã tổ chức tuyên truyền các quy định này dưới nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp thực hiện; Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán. Cho đến nay, sau gần một năm thực hiện trên thực tế, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Đây là kết quả đáng kể rất đáng khích lệ.
Như vậy, sau gần một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng, có thể khẳng định: Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng Dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Tại nhiều Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian trước và sau khi Nghị định 24 được ban hành, có nhiều nội dung chỉ đạo về quản lý thị trường vàng. Cụ thể:
Tại Nghị quyết 10/2011/QH13 ngày 8/11/2011 (kỳ 2) về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 có nêu: ”cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, ..., thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng,....”
Tại Nghị quyết 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 (kỳ 2) về chất vấn và trả lời chất vấn có yêu cầu: “Quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới; bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân; có chính sách huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển”.
Nghị quyết số 40/2012/QH13 ngày 23/11/2012 (kỳ 4) về chất vấn và trả lời chất vấn nêu rõ: ”tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường vàng. Làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng; bảo đảm lợi ích của người dân; không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế”.
Phân tích nêu trên cho thấy, tuyệt đại đa số các yêu cầu, chỉ đạo của Quốc hội về quản lý thị trường vàng đã được Chính phủ thực hiện và bước đầu có kết quả rất tích cực, ngoại trừ nội dung: ”.... phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới...”. Về nội dung này Chính phủ xin báo cáo và giải trình ở phần sau.
II. GIẢI TRÌNH MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC CỬ TRI QUAN TÂM TRONG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG
Trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng, qua phản ánh của các đại biểu Quốc hội, cử tri còn quan tâm và muốn tìm hiểu rõ về một số vấn đề. Chính phủ xin báo cáo và giải trình như sau:
1. Về lựa chọn công ty SJC gia công sản xuất vàng miếng cho NHNN
a) Cơ sở pháp lý
Khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 24 quy định: ”Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và giao NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ.
Như vậy, theo quy định nói trên, kể từ ngày 25/05/2012 (ngày Nghị định 24 có hiệu lực), không một tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng dưới bất kỳ thương hiệu nào (kể cả công ty SJC), nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và nhà nước giao NHNN tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng và quyết định phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ.
Để thực hiện trách nhiệm được giao tại Nghị định 24, NHNN đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Quyết định 1623). Tại Quyết định 1623, NHNN quyết định lựa chọn phương thức sản xuất vàng miếng của NHNN là thuê gia công và giao công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN. Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định hạn mức, thời điểm để thuê SJC gia công vàng miếng dưới sự giám sát và kiểm soát của NHNN.
Ngày 26/2/2013 Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC đã ký kết Hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng. Theo đó, NHNN được sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC của công ty SJC để sản xuất vàng miếng của NHNN.
Như vậy, về mặt pháp lý, việc NHNN sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC và lựa chọn Công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Ngày 11/4/2013, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 2825/BTP-VP khẳng định việc ban hành Quyết định 1623 của NHNN là đúng quy định của pháp luật.
b) Cơ sở thực tiễn
Việc lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN là phù hợp với thực tiễn thị trường trong thời kỳ hiện nay, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và xã hội. Cụ thể:
Thứ nhất, phù hợp với thực tế thị trường vàng miếng: Trước khi Nghị định 24 được ban hành, trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. Công ty SJC là Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước. Thương hiệu vàng miếng của Công ty SJC đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia trong các năm 2008, 2010 và 2012. Vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng trong lưu thông. Đồng thời, trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp, TCTD được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đều thuê Công ty SJC gia công thành vàng miếng SJC. Như vậy, có thể khẳng định thị trường đã lựa chọn thương hiệu SJC là thương hiệu có uy tín, được thị trường chấp nhận và chiếm khối lượng tuyệt đối trong lưu thông.
Thứ hai, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội. Để có thương hiệu vàng miếng riêng, Nhà nước phải bỏ nhiều vốn đầu tư để xây dựng thương hiệu, mua máy móc, thiết bị, thuê công nhân tổ chức sản xuất vàng miếng thương hiệu của mình vừa tốn kém không cần thiết, vừa mất thời gian trong khi nhu cầu của thị trường diễn ra hàng ngày. Đồng thời, việc NHNN có thương hiệu vàng miếng riêng có thể gây tốn kém lớn (tài chính, thời gian) cho người dân khi chuyển đổi từ các thương hiệu vàng miếng khác sang thương hiệu của NHNN và gây ra nhiều xáo trộn không đáng có trong xã hội.
Thứ ba, năng lực sản xuất vàng miếng của Công ty SJC phù hợp với nhu cầu gia công của NHNN. Trên thị trường, trong số 8 doanh nghiệp được cho phép sản xuất vàng miếng trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC là đơn vị có năng lực sản xuất vàng miếng lớn nhất. Theo đánh giá của NHNN và các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng, cũng như thực tế diễn biến của thị trường, năng lực gia công vàng miếng của SJC hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu vàng miếng của thị trường.
c) Kết quả thực hiện
Qua thời gian triển khai thực hiện, việc lựa chọn công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN đã đạt mục tiêu đề ra: đúng pháp luật; phù hợp với thực tiễn; tiết kiệm chi phí cho xã hội, Nhà nước và người dân, cụ thể: Thứ nhất, Nhà nước đã sản xuất được ngay lượng vàng miếng cần thiết phục vụ cho nhu cầu thị trường với thời gian ngắn và chi phí thấp hơn nhiều so với việc Nhà nước tự sản xuất vàng miếng. Thứ hai, tiết kiệm được chi phí lớn cho xã hội vì không làm phát sinh nhu cầu chuyển đổi phần lớn lượng vàng miếng trên thị trường sang vàng miếng thương hiệu của NHNN trong trường hợp NHNN tự sản xuất vàng miếng thương hiệu của mình. Thứ ba, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất vàng miếng từ nguyên liệu nhập lậu. Qua đó, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, việc lựa chọn công ty SJC sản xuất vàng miếng cho NHNN không tạo ra độc quyền doanh nghiệp cho công ty SJC vì từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, mà chỉ gia công vàng miếng theo đơn đặt hàng của NHNN và chỉ còn được kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hơn nữa, tất cả số vàng miếng nhãn mác khác được phép sản xuất trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (ngày 25/05/2012) vẫn được phép lưu hành bình thường.
2. Hoạt động can thiệp thị trường vàng của NHNN
a) Cơ sở pháp lý
- Điều 1, Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 16/06/2010, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011 quy định: “Ngân hàng nhà nước Việt nam (sau đây gọi là Ngân hàng nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam”. Như vậy, với chức năng là cơ quan ngang bộ, NHNN thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng; với chức năng là Ngân hàng Trung ương của nước CHXHCN Việt nam, NHNN thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, ngoại hối, vàng vì mục tiêu chính sách tiền tệ Quốc gia trong từng thời kỳ (không vì mục tiêu lợi nhuận).
- Khoản 2 Điều 15 Nghị định 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999 của Chính phủ về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước giao Thống đốc NHNN quyết định:
“2. Can thiệp thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước khi cần thiết để thực hiện các mục tiêu của chích sách tiền tệ từng thời kỳ, bao gồm:
a) Thời điểm can thiệp;
b) Loại ngoại tệ can thiệp;
c) Tỷ giá và giá vàng can thiệp;
d) Số lượng ngoại tệ và vàng can thiệp;
đ) Hình thức can thiệp: giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi và các hình thức giao dịch ngoại hối khác;
e) Đối tác thực hiện hình thức can thiệp”.
- Điều 16 Nghị 24 quy định: “NHNN được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước” và giao NHNN thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp: “Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước... theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”
- Khoản 1 Điều 3 và Điều 5 Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg ngày 04/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN quy định:
“Điều 3. Quyền hạn và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
1. Thống đốc NHNN quyết định phương án can thiệp thị trường vàng theo quy định tại Điều 5 Quyết định này…” và
“Điều 5. Phương án mua, bán vàng miếng
Phương án mua vàng miếng hoặc bán vàng miếng của NHNN để can thiệp thị trường vàng trong từng thời kỳ bao gồm các nội dung sau:
1. Thời điểm mua, bán
2. Khối lượng vàng miếng mua, bán
3. Hình thức mua bán
4. Đối tượng thực hiện mua bán
5. Các mức giá mua bán cụ thể phù hợp với từng hình thức thực hiện mua bán… ”.
Như vậy, việc NHNN sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp thị trường vàng thông qua hoạt động mua, bán vàng miếng với các tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng của NHNN đã được pháp luật quy định. Hoạt động mua bán vàng miếng của NHNN trên thị trường trong nước không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu của chính sách tiền tệ Quốc gia và mục tiêu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngoại hối và vàng.
b) Cơ sở thực tế
Khoản 3 Điều 4 của Nghị định 24 quy định: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”; khoản 1 Điều 14 của Nghị 24 quy định: “căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, ngân hàng nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng… ”. Như vậy, kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực (ngày 25/05/2012) chỉ NHNN mới được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và cũng chỉ có NHNN mới được phép sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường.
Trong khi đó Nghị định 24 nói riêng và pháp luật của nước ta nói chung đều công nhận và đảm bảo quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán, cho, tặng… của người dân và doanh nghiệp đối với vàng miếng. Nhu cầu mua, bán, tích trữ vàng miếng trong dân vẫn còn và vẫn diễn ra bình thường mặc dù tình trạng đầu cơ đã được ngăn chặn, hơn nữa, thời gian này một số TCTD vẫn có nhu cầu mua vàng miếng để trả cho dân do trước đây đã chuyển đổi vàng thành tiền để phục vụ sản xuất, kinh doanh; một số doanh nghiệp và người dân có nhu cầu mua vàng để trả ngân hàng do thời gian trước đây vay vàng đã đổi thành tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. Như vậy, nhu cầu về vàng miếng vẫn còn mặc dù giảm rất nhiều so với trước đây (trước đây nhập khẩu chính thức và phi chính thức vào nước ta mỗi năm trung bình trên dưới 100 tấn).
Thực tế nêu trên cho thấy việc NHNN bán vàng miếng can thiệp, tăng cung vàng miếng ra thị trường là cần thiết, là nhu cầu thực tế khách quan.
c) Kết quả triển khai thực hiện
Trên cơ sở pháp luật cho phép và nhu cầu thực tế của thị trường, NHNN đã triển khai can thiệp vàng thông qua hình thức đấu thầu bán vàng miếng. Việc lựa chọn hình thức đấu thầu bán vàng miếng là biện pháp tốt nhất nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước, thông qua đó thị trường được ổn định. NHNN tham gia thị trường với tư cách người mua, bán cuối cùng, để định hướng thị trường.
Kết quả triển khai hoạt động can thiệp của NHNN cho thấy: Thứ nhất, thị trường vàng đã ổn định. Thông qua việc đấu thầu, NHNN đã tạo nguồn cung ra thị trường, giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu; Thị trường vàng miếng đã ổn định, không còn các cơn ”sốt vàng” gây bất ổn xã hội, giá vàng trong nước đã ổn định theo hướng giảm ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp; Thứ hai, thực tế triển khai hoạt động bán vàng can thiệp cho thấy toàn bộ quy trình đấu thầu bán vàng miếng đã được thực hiện thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch. Giá trúng thầu được xác định trên cơ sở cạnh tranh, luôn bám sát giá thị trường và định hướng thị trường, do vậy, đã ngăn ngừa một cách hiệu quả hiện tượng đầu cơ, làm giá và vai trò điều tiết của Nhà nước đã được khẳng định; Thứ ba, giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng NHNN áp dụng trong thời gian qua đã tiết kiệm đáng kể ngoại tệ cho đất nước; khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để nhập khẩu vàng nhỏ hơn nhiều lần so với lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu trong những năm trước đây. Đồng thời, lượng ngoại tệ NHNN dùng để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua vào tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua. Nhờ vậy, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu đầu tư vào vàng của người dân giảm; Thứ tư, thực tế cũng cho thấy cơ chế NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng hiệu quả hơn việc NHNN cấp phép cho các doanh nghiệp, TCTD nhập khẩu vàng như trước đây vì việc nhập khẩu vàng trước đây thường gây mất ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ do các doanh nghiệp, TCTD phải mua gom ngoại tệ trên thị trường và cuối cùng cũng ảnh hưởng đến quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Như vậy, việc NHNN áp dụng giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua hoạt động đấu thầu bán vàng miếng là tuân thủ đúng quy định của pháp luật và là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra về bình ổn thị trường vàng.
3. Về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới
Nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế.
Để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới thì chúng ta phải cho phép doanh nghiệp, và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu. Khi đó, nhà đầu tư (người mua, bán vàng) thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, có thể mua bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, hơn nữa, nhà đầu tư lại được xuất, nhập khẩu vàng tự do ra vào Việt nam. Như vậy, về nguyên tắc giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế).
Để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì: hoặc (i) cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng; không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc (ii) không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều kiện). Khi đó, trong trường hợp (i): mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối. Trong trường hợp (ii) mặc dù được xuất nhập khẩu vàng ra vào Việt nam một cách tự do hay có điều kiện, nhưng lại không được mua bán vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nên do hoạt động xuất nhập khẩu phải có thời gian, trong khi giá vàng thế giới lại biến động liên tục làm cho giá vàng trong nước vẫn chênh tương đối so với giá vàng thế giới. Trong các trường hợp này, mức độ tự do xuất nhập khẩu vàng sẽ tác động trực tiếp đến mức độ chênh lệch. Mức độ tự do xuất nhập khẩu càng cao thì chênh lệch giá vàng càng thấp và ngược lại.
Ở nước ta, trong thời gian gần đây, diễn biến thị trường vàng có thể chia làm 3 giai đoạn: (i) giai đoạn 2007-2009 (ii) giai đoạn 2009-2012 (iii) giai đoạn 2012-2013.
(i) Giai đoạn 2007-2009: trong giai đoạn này mặc dù nhà nước không cấp phép, nhưng các quy định của pháp luật về quản lý thị trường vàng còn chưa đầy đủ, nên các sàn vàng đã hình thành một cách tự phát và phát triển rất nhanh; trong thời gian này mỗi năm ta cho phép nhập khẩu chính thức khoảng 40-60 tấn vàng và nhập lậu vàng cũng khoảng 50-60 tấn vàng; nét đặc trưng của giai đoạn này là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất thấp thế nhưng thị trường vàng trong nước bất ổn, thường xuyên có các cơn ”sốt” vàng, người dân đổ xô đi mua, bán vàng, hoạt động đầu cơ trên thị trường diễn ra mạnh mẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá, chỉ số giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội. Các sàn vàng thu hút hàng triệu người ở cả nông thôn và thành thị tham gia, hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi ngày đáng lẽ phải phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất cho xã hội thì lại bị thu hút vào các sàn vàng, không tạo ra giá trị gia tăng mà chỉ là chiếm đoạt lẫn nhau. Chính vì vậy mà năm 2009 Chính phủ đã chính thức cấm và chấm dứt hoạt động của các sàn vàng, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
(ii) Giai đoạn 2009-2012: giai đoạn này các sàn vàng đã chấm dứt hoạt động, kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài đã bị nghiêm cấm; mỗi năm ta chính thức cho nhập khẩu khoảng 40-60 tấn vàng; nhập lậu vàng cũng khoảng 40-60 tấn. Nét đặc trưng của giai đoạn này là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nhìn chung vẫn ở mức thấp nhưng trung bình cao hơn nhiều so với giai đoạn 2007-2009; bất ổn của thị trường vàng và những tác động tiêu cực của nó đối với tỷ giá, chỉ số giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn diễn ra nhưng mức độ thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2007-2009.
(iii) Giai đoạn 2012-2013: đây là giai đoạn khuôn khổ pháp lý mới đã được xây dựng và có hiệu lực thi hành. Trong giai đoạn này: sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản không được phép hoạt động; nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng. NHNN không cấp phép cho bất kỳ đối tượng nào nhập khẩu vàng, hoạt động nhập lậu cũng bị kiểm soát chặt chẽ, trên thị trường NHNN cũng mới chỉ bán can thiệp khoảng 20 tấn vàng. Nét đặc trưng của giai đoạn này là: chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao và cao hơn nhiều so với 2 giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng ”vàng hóa” được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.
Phân tích trên cho thấy, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.
Trước đây khi ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới, mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau từ 400 ngàn VNĐ trở lên là lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá, vì mục tiêu bình ổn tỷ giá trước mắt ta phải chính thức cho nhập khẩu vàng để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400 ngàn VNĐ và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt. Nhưng trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh thì tác dụng của biện pháp này cũng rất hạn chế và có tính chất tạm thời vì những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng lại xác lập một mức chênh lệch mới và lại buộc ta phải tiếp tục can thiệp – một chu kỳ mới lại diễn ra.
Như vậy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.
Đến nay, như đã phân tích ở trên, khi một khuôn khổ pháp lý mới đã được thiết lập, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn. Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy mà góp phần kiềm chế ”vàng hóa” nền kinh tế.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp thị trường của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp; về ngắn hạn, khi giá vàng thế giới có biến động đột biến thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là tất yếu. Việc giá vàng trong nước ổn định là cần thiết giúp cho thị trường trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra cũng cần phải nhấn mạnh rằng: NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Trước đây, toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, nay thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh. Vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng của tổ chức và cá nhân, nhưng Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng vì không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn gây lãng phí một nguồn vốn to lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngân hàng Nhà nước