Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu giảm lãi suất các khoản vay cũ ngay từ 15/7. |
6 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,57% so với cuối năm ngoái, khá phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 14-16% của cả năm, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đạt mức rất thấp, cuối tháng 6 chỉ tăng 0,76% so với đầu năm, sau nhiều tháng âm liên tiếp. Nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác, thì tốc độ tăng trưởng cũng chỉ là 1,4%. Đáng chú ý, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực đang khát và khó tiếp cận vốn nhất hiện nay, giảm 13,69%. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu tín dụng cả năm nay phải tăng 15-17% để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.
Nguyên nhân khiến tín dụng giảm thời gian qua, theo Ngân hàng Nhà nước, là cầu tín dụng rất thấp khi mà cầu trong nước và nước ngoài đều tăng thấp, doanh nghiệp khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn ngân hàng. Khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém, gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay đều có nguồn gốc bất động sản.
"Các ngân hàng có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng", Ngân hàng Nhà nước thừa nhận trong báo cáo.
Do vậy để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự đồng bộ các giải pháp từ phía chính sách kinh tế vĩ mô. Ngay tại hội nghị sáng 7/7, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo toàn ngành nhanh chóng hạ lãi suất cho vay với doanh nghiệp, thể hiện chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng bằng hành động cụ thể.
Theo tinh thần đó, Thống đốc yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phải sớm chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15% một năm và thực hiện ngay từ 15/7. Với khoản vay mới lãi suất cho vay theo mặt bằng lãi suất huy động mới nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng vay.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh so với đầu năm. Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng giảm 3-6% một năm; lãi suất cho vay cũng giảm với tốc độ tương ứng. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp than chưa được hưởng lãi suất 13-14% so với các hợp đồng vay mới, và vẫn chịu lãi cũ ở mức rất cao cho các hợp đồng đã ký trước đây.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết sẽ phấn đấu để đưa mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn giảm xuống dưới 20% vào cuối năm. Tuy nhiên, Thống đốc không hài lòng với chỉ tiêu này và yêu cầu Hà Nội cần thực hiện chỉ đạo đưa lãi suất về dưới 15% ngay từ 15/7.
Lãi suất cao, doanh nghiệp khó khăn không thể trả nợ là nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng với tốc độ lớn trong 6 tháng đầu năm. Báo cáo công bố sáng nay (7/7) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã lên đến 4,47% tổng dư nợ, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bình quân tăng trưởng thấp nhưng theo hướng tăng cao hơn ở các lĩnh vực ưu tiên và giảm mạnh với các lĩnh vực không khuyến khích. Trong đó, đến 31/5, tín dụng xuất khẩu ăng 12,63%, nông nghiệp nông thôn tăng 3%, công nghiệp hỗ trợ tăng 7,13%; riêng tín dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 13,69%. Dư nợ cho vay với các lĩnh vực không khuyến khích chiếm 5,25% tổng dư nợ, giảm 5,91% so với tỷ trọng cuối năm ngoái.
Số dư tiền gửi VND bình quân của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước tăng dần qua các tháng, tỷ lệ tín dụng trên lượng vốn huy động vào giảm dần qua các tháng, từ 103,23% cuối năm 2011 xuống 90,33% đến ngày 30/6. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, dư thừa thanh khoản. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các số liệu này cho thấy thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng được đảm bảo và có xu hướng cải thiện so với năm ngoái. Nhưng điều này cũng phản ánh một phần thực trạng ngân hàng rất khó khăn để đẩy vốn ra nền kinh tế.
Thanh Lan - Song Linh