Sau hơn chục ngày nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, ông Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai thở phào khi chưa có ca nhiễm Covid-19 nào trừ một F0 hôm xét nghiệm đầu vào. Nhà máy hiện có hơn 300 công nhân tham gia sản xuất, từ 650 người ban đầu.
Để chuẩn bị và duy trì cho lượng công nhân này hoạt động đến nay, ông Tân cho biết đó là một bài toán đánh đổi rất lớn của doanh nghiệp.
Từ cuối tháng 6, khi thấy tình hình Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh lân cận trở nên phức tạp, Gỗ Hạnh Phúc đã lao vào chạy đua chuẩn bị cơ sở vật chất cho "3 tại chỗ".
"Đó gần như là một cuộc chiến", ông mô tả. Toàn bộ nguồn nhân sự, tài chính của công ty phải tập trung chuẩn bị từ những việc lớn như chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, lắp đặt khu vệ sinh, bồn nước đến những thứ nhỏ như chăn màn, chiếu ngủ, xô chậu giặt...
Chi phí cho những việc này, theo doanh nghiệp tính toán, rất lớn, nhưng nó chưa thấm vào đâu nếu so với tiền xét nghiệm Covid-19 cho công nhân. Theo ông Tân, một công nhân xét nghiệm mất hơn 200.000 – 300.000 đồng một lần. Như vậy, mỗi lần kiểm tra, ngay lập tức công ty sẽ mất khoảng 100 triệu đồng. "Đó là khoản tiền khủng khiếp", ông nói. Đến nay, công nhân tại nhà máy này trung bình đã xét nghiệm 3 lần. Cá biệt, có nhiều trường hợp đã được kiểm tra đến 6-7 lần.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cũng nhấn mạnh đang bị áp lực tài chính bởi rất nhiều loại chi phí phát sinh trong sản xuất khi áp dụng "3 tại chỗ".
"Trước cả văn phòng, nhà máy 1 tuần khử khuẩn một lần thì nay là 2 lần trong một ngày. Xe vào công ty cũng phải khử khuẩn 100%, mà hàng ngày có hàng trăm chuyến như vậy", ông ví dụ.
Trong khi đó, năng suất lao động của doanh nghiệp giảm xuống do bố trí sản xuất theo 5K. Hiện số lao động của doanh nghiệp chỉ còn một phần ba so với bình thường. Mặt khác, do thời gian thực hiện 3 tại chỗ kéo dài, một số người lao động đã chủ động xin nghỉ.
"Sống xa gia đình khiến người lao động không yên tâm làm việc", ông Hiến nói và thừa nhận đến nay, nhiều cán bộ, công nhân vẫn chưa quen việc sống trong môi trường mới.
Bên cạnh áp lực về tài chính, doanh nghiệp cũng sống trong tâm thế nơm nớp lo sợ dịch bệnh có thể bùng phát từ bên trong bất cứ lúc nào.
"Chúng tôi chỉ dám thở phào qua từng ngày, từng mốc một. Dịch bệnh có thể rò rỉ, ngấm vào bất cứ lúc nào. Chúng tôi luôn nhắc công nhân phải cảnh giác. Một cuộc nói chuyện tầm phào, một món hàng nhận từ bên ngoài cũng có thể trở thành mầm hoạ", ông Tân nói. Các nhà máy bị dịch bệnh xuyên thủng những ngày vừa qua đã trở thành nỗi ám ảnh với ông.
15 doanh nghiệp trong ngành thép đang áp dụng "3 tại chỗ" cũng cho biết đang gặp khó khăn trong việc duy trì chặt chẽ các quy trình phòng chống dịch, bởi chỉ một khâu sơ hở nhỏ cũng có thể biến tiền của, công sức, giữ gìn của mấy trăm con người vỡ vụn.
Theo doanh nghiệp phân tích, việc chống dịch ở miền Nam cũng có nhiều khó khăn do đặc thù chuỗi cung ứng nhanh, đa dạng, và phức tạp. "Đây vốn là lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng trong Covid-19, nó trở thành mặt trái", ông Lê Xuân Tân nhận xét. Nguyên nhân là một nhà máy nhiễm bệnh, nhiều nhà máy khác có khả năng bị tấn công ngay lập tức. Bên cạnh đó, mật độ dân cư, số lượng doanh nghiệp, công nhân ở khu vực phía Nam dày hơn các vùng miền khác trong nước.
Hiện Gỗ Hạnh Phúc đã mua thêm nhiều trang thiết bị khử khuẩn và chuẩn bị các bình ôxi. Doanh nghiệp này nhấn mạnh, số bình ôxi là cần thiết dù không bao giờ muốn sử dụng đến.
Nhìn lại, ông Tân nói: "Ở góc độ kinh doanh đơn thuần, không doanh nghiệp nào muốn dồn nguồn lực, tâm sức, thậm chí an nguy bản thân vào cuộc phiêu lưu mà biết chắc kết quả lỗ".
Tuy nhiên, "3 tại chỗ" dường như là phương án duy nhất lúc này để họ vẫn sản xuất được ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh. Xa hơn, đây còn là bài toán giữ nền móng cho cả nền kinh tế khi dịch bệnh được khống chế. Bởi một nhà máy có thể dừng đột ngột, nhưng không thể khởi động ngay lập tức.
Trước những áp lực này, các doanh nghiệp bày tỏ hy vọng sẽ được Chính phủ chia sẻ, hỗ trợ để tiếp tục duy trì vùng đệm, chờ đến ngày nền kinh tế vận hành khi Covid-19 được đẩy lùi.
Thứ nhất, doanh nghiệp nhấn mạnh, "3 tại chỗ" là công việc khó khăn, không thể yêu cầu ngay lập tức thực hiện được. "Chính quyền phải để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, không thể nào ốp vài ngày rồi yêu cầu đảm bảo an sinh cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người được", ông Lê Xuân Tân nói. Ông cũng đề xuất cần hạn chế hình sự hoá chủ doanh nghiệp, những người chịu trách nhiệm, nếu quá trình sản xuất xảy ra các tai nạn không mong muốn.
"Sản xuất trong điều kiện bên trong thiếu thốn, bên ngoài dịch bệnh mà nếu sơ sểnh bị hình sự hoá liệu có công bằng với doanh nghiệp không? Bản thân chúng tôi cũng không bao giờ muốn có sơ suất, bởi chính doanh nghiệp sẽ chịu phần thiệt lớn nhất", ông nói.
Thứ hai, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần có chính sách rõ ràng cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận việc ổn định tâm lý cho người lao động trong "3 tại chỗ" là một khó khăn lớn. Một số công nhân vì áp lực này đã quyết định nghỉ. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để họ được trở về nhà.
Theo một số doanh nghiệp, văn bản đăng ký cho công nhân về nhà không biết gửi chính xác cho cơ quan nào và cũng không có đơn vị nào trả lời đích xác. Việc chủ lao động không thể trả lời cho công nhân, hoặc mập mờ trong cách trả lời có thể tạo hệ luỵ lớn. Cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho rằng cần phải nhanh chóng trợ cấp cho những người lao động nghỉ việc, mất việc với ít thủ tục phức tạp hơn.
Thứ ba, Chính phủ cần có các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đặng Hiến Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cho rằng Nhà nước cần có chính sách chung chi phí xét nghiệm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ. Hiện nay, chi dịch vụ đang bằng ngang với phí mua kit xét nghiệm. Ông cũng đề xuất giảm lãi suất ngân hàng và không thu hồi vốn vay khi đến hạn và chỉ thu tiền lãi vay phát sinh...
"Chính phủ cũng cần nhanh chóng chấm dứt việc ‘phép vua thu lệ làng’ trong việc lưu thông hàng hóa, việc di chuyển của xe có cấp mã QR và của nhân viên giao nhận hàng hóa", ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Tân lưu ý đến việc cần hỗ trợ đến nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi lẽ thị trường thế giới đã vượt qua các cú sốc Covid-19, đang tái hồi phục. Nếu doanh nghiệp Việt bị lỡ, chậm sản xuất, xuất khẩu, các đơn hàng sẽ bị mất vào tay đối thủ. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang cần những động lực từ xuất khẩu để trợ lực cho nền kinh tế.
Cuối cùng, các doanh nghiệp đều đề xuất cần sớm tiêm vaccine cho người lao động, cụ thể là những đối tượng đang tham gia sản xuất, bởi nếu không được chích ngừa, chuỗi sản xuất sẽ không thể nào an toàn trước dịch bệnh.
"Mong chính phủ có quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp 3 tại chỗ, như vậy mới có cơ hội để kéo dài", ông Lê Xuân Tân nói. Còn ở hiện tại, giống như nhiều doanh nghiệp khác, Gỗ Hạnh Phúc cũng đã chuẩn bị cho mình kịch bản nếu ngay lập tức phải đóng cửa, sẽ đóng như thế nào.
Bạn có đang bị ảnh hưởng công việc và thu nhập vì Covid-19? Nếu có, đừng bỏ qua khảo sát tại đây - được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress. Kết quả khảo sát sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, làm cơ sở đưa ra các giải pháp cho tình trạng hiện tại.
Phương Ánh - Viễn Thông