Đề nghị này được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính - Ban IV) đưa ra trên cơ sở phân tích bài học từ áp dụng "3 tại chỗ" tại Bắc Ninh, Bắc Giang và sự đổ vỡ của mô hình này tại nhiều doanh nghiệp ở TP HCM, các tỉnh phía Nam vừa qua.
Theo đánh giá của Ban IV, với mức độ lây lan dịch bệnh thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực, trong cộng đồng như tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành "ba tại chỗ" vẫn gặp rủi ro.
Thực tế, đã nhiều trường hợp doanh nghiệp áp dụng "3 tại chỗ" tại TP HCM, Bình Dương, Tiền Giang... xuất hiện các ca F0, nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Việc chậm trễ trong khoanh vùng, xử lý các ca F0 tại nhà máy "3 tại chỗ" của y tế tại chỗ, y tế địa phương khiến doanh nghiệp, người lao động bị tác động nặng nề về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Nhiều địa phương buộc phải yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng "3 tại chỗ" dừng hoạt động sau sự đổ vỡ của mô hình này. Song, có những doanh nghiệp đang thực hiện nghiêm túc, không phát hiện F0 cũng chịu chung cảnh buộc phải tạm đóng cửa, như tại Tiền Giang, khiến họ rơi vào cảnh bị động, khó khăn.
"Chỉ nên áp dụng phương án "3 tại chỗ" ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh ở diện kiểm soát được", Ban IV nêu quan điểm trong văn bản gửi Thủ tướng.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, mô hình "3 tại chỗ" không phù hợp với các doanh nghiệp phía Nam vốn sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác.
"Doanh nghiệp phía Nam chỉ nên áp dụng mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến"", Cục Công nghiệp nhận xét. Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường, địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh.
Cũng theo Ban IV, trường hợp vẫn áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" thì chính quyền, y tế địa phương cần xây dựng, công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý trong trường hợp nhà máy "3 tại chỗ" có ca F0.
Việc này sẽ hạn chế tối đa các tình huống doanh nghiệp khi thông báo có nghi nhiễm, chính quyền chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong thì yêu cầu phong toả toàn bộ hàng trăm, hàng nghìn lao động tại một chỗ khiến dịch lan cấp số nhân trong nhà máy. Cơ hội xử lý, khắc phục vì thế càng trở nên khó khăn hơn.
Cùng đó, một quy trình phối hợp công tư chặt chẽ và giám sát nghiêm túc trong triển khai cũng cần được chính quyền địa phương lên kịch bản chi tiết, hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp. Quy trình này giúp địa phương tính toán nhu cầu y tế, các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch. Đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành, không bị rơi vào cảnh khủng hoảng như một số nhà máy trở thành "chùm F0".
Trước thực tế các tỉnh phía Nam hiện đã xuất hiện các nhà máy "3 tại chỗ" có ca F0, nhưng lực lượng y tế địa phương quá tải, chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết, Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế họp khẩn cấp với các tỉnh, đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp thấu đáo, giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho địa phương và doanh nghiệp.
Bạn có đang bị ảnh hưởng công việc và thu nhập vì Covid-19? Nếu có, đừng bỏ qua khảo sát tại đây - được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress. Kết quả khảo sát sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, làm cơ sở đưa ra các giải pháp cho tình trạng hiện tại.
Anh Minh