Báo cáo được thực hiện bằng cách bóc tách dữ liệu lớn của Việc Làm Tốt - một trong những sàn giao dịch phổ biến nhất về việc làm của lao động phổ thông với 1,4 triệu việc làm được đăng từ 40.000 nhà tuyển dụng. Nền tảng này của Công ty TNHH Chợ Tốt, thuộc Tập đoàn Carousell (Singapore).
Đơn vị có 4,2 triệu lượt truy cập mỗi ngày này cho biết, nhóm ngành tài xế giao nhận có mức lương tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm 2022. Riêng tháng 3 - thời điểm sau Tết và cũng là tháng đạt đỉnh trong quý I, tăng trưởng về lương của nhóm ngành này đạt 11,2% so với cùng kỳ. Diễn biến trên phản ánh độ nóng trong nhu cầu và cạnh tranh nguồn lao động của tài xế giao nhận so với các ngành khác.
Xét theo giá trị tuyệt đối, tài xế giao nhận cũng có lương cao nhất trên thị trường lao động phổ thông, trung bình đạt 10,1 triệu đồng một tháng trong giai đoạn hậu giãn cách. Xếp sau là công nhân với mức lương bình quân khoảng 9,1 triệu đồng mỗi tháng. Lương nhân viên nhà hàng, khách sạn tăng trưởng cao nhưng chỉ ở mức 6,7 triệu đồng, thấp hơn nhân viên bán hàng và bảo vệ.
Theo nền tảng này, nguồn cung lao động đang bị thiếu hụt so với nhu cầu phát triển của ngành giao vận. Cụ thể, sự tăng trưởng mạnh mẽ của logistics và thương mại điện tử kéo theo nhu cầu gia tăng nhanh chóng lực lượng vận chuyển, giao nhận.
Báo cáo gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho thấy lĩnh vực này vẫn bùng nổ trong năm ngoái bất chấp đại dịch với mức tăng trưởng trên 20%. Nhu cầu mua sắm hồi phục theo từng dịp lễ tết cũng dẫn đến gia tăng đột biến số lượng đơn hàng cần vận chuyển. Do vậy, các đơn vị phải liên tục bổ sung nhân sự.
"Các dịch vụ gọi xe công nghệ cũng được dự đoán phát triển mạnh hậu Covid-19 nhưng lượng tài xế lại không đủ để kịp đáp ứng nhu cầu, một phần do chi phí của họ đã tăng, làm chậm tốc độ tăng trưởng số shipper", đại diện Việc Làm Tốt nói thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO nền tảng giao đồ ăn và giao hàng ngay tức thì Loship, xác nhận thu nhập của tài xế nói riêng và các bên tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử nói chung, đều tăng trưởng. Dù đã qua giai đoạn giãn cách, người tiêu dùng đã hình thành và duy trì thói quen mua hàng online. Hơn thế, thu nhập của đội ngũ tài xế được cấu thành từ chính tần suất làm việc và chính sách cộng thưởng của công ty công nghệ. Trung bình một shipper hoạt động 8 tiếng mỗi ngày có thể thu về 400.000-600.000 đồng.
"Một phần không nhỏ shipper xem đây là công việc chính thức, hoạt động đến 12-18 giờ mỗi ngày", ông Trung cho biết thêm.
Tuy mặt bằng chung ở mức cao, thu nhập của tài xế vẫn có sự phân hóa. Theo Việc Làm Tốt, tài xế xe tải và xe container có mức lương cao hơn tài xế giao hàng bằng xe máy do điều kiện về bằng lái đặc thù và tính chất công việc phải di chuyển xa.
Thu nhập của lao động nhóm này cũng chênh lệch theo vị trí địa lý. Lương tuyển dụng shipper tại Bình Dương và Đồng Nai cao hơn TP HCM từ 5-10%, trong khi đó mức sống tại hai tỉnh này vẫn thấp hơn đáng kể. Chỉ tính riêng giá thuê phòng trọ ở khu vực Bình Dương và Đồng Nai đã thấp hơn TP HCM từ 10-25%, theo dữ liệu từ trang Chợ Tốt Nhà.
Nhìn chung toàn thị trường lao động phổ thông, mức lương bình quân tăng đều trong những tháng đầu năm và đạt đỉnh trong tháng 4/2022 khi nhích thêm 12,4% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên dần vào giữa năm, mức lương trên thị trường có xu hướng giảm nhẹ.
Báo cáo trên cũng chỉ ra mức lương công nhân TP HCM đã vượt lên dẫn đầu cả nước trong tháng 3 với 9,8 triệu đồng. Nhưng tính trung bình 5 tháng đầu năm, công nhân TP HCM vẫn nhận lương thấp hơn. Thực trạng này đã diễn ra từ trước. Báo cáo về lương và thưởng Tết năm 2021 của Việc Làm Tốt chỉ rõ công nhân ở TP HCM không phải nhóm có mức lương cao nhất cả nước. Nhưng từ sau thời điểm giãn cách xã hội đến nay, việc các doanh nghiệp tại TP HCM liên tục nâng lương cho công nhân phản ánh mức độ thiếu hụt nguồn nhân lực so với nhu cầu sản xuất thực tế.
"Điều này phần nào có thể do sự dịch chuyển của hơn 500.000 người lao động từ TP HCM trở về quê vào cuối năm 2021", đại diện đơn vị này dùng số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 1/2022 lý giải.
Ngoài ra, Việc Làm Tốt cũng cho rằng thị trường lao động phổ thông nửa đầu năm nay đã có thay đổi lớn về nhu cầu tìm việc. Trong bình thường mới, việc được chủ động thời gian hay cho phép làm việc tại nhà dần trở thành tiêu chí hàng đầu của người lao động. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở các nhóm hành chính - văn phòng mà còn cả lực lượng lao động phổ thông.
Theo đó, các nhóm ngành nghề được người lao động tìm kiếm nhiều nhất gồm bán hàng và chăm sóc khách hàng (20%), làm việc trực tuyến và gia công tại nhà (19%), tài xế và giao nhận (17%)... Trong số những ngành nghề phổ thông phổ biến, công nhân có xu hướng tìm việc thay đổi rõ hơn hẳn. Gần hai phần ba số lao động từng làm công nhân nay bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành kể trên.
Tất Đạt