Kết quả ra sao vẫn phải chờ đợi do Chính phủ sẽ còn cân nhắc nhiều chiều, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan mới có thể ra quyết định phê duyệt chính thức.
“Chính phủ cũng có nhiều phương án, có khi đề xuất đưa lên nhưng không được chấp nhận”, lãnh đạo này chia sẻ.
Về nội dung đề xuất, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết hiện có hai hướng được triển khai, căn cứ vào bản dự thảo cuối cùng. Trong đó, đối với các doanh nghiệp niêm yết đã hết room, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được đề xuất tăng từ 49% lên 60%. Phần tăng thêm vẫn là cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trường hợp doanh nghiệp vẫn còn room sẽ được phát hành thêm 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Theo ông Hải, dự thảo này đã được đề xuất gần 2 năm nay và xây dựng theo kinh nghiệm, mô hình từ thị trường chứng khoán các nước khác. "Ở những thị trường lâu đời như Anh, Mỹ, cổ phiếu không có quyền biểu quyết bán cả cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỷ lệ không hạn chế, nhưng Việt Nam lần đầu mới áp dụng nên phải để 10%", ông Hải giải thích.
Mục đích chính của phương án này là giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, dễ dàng huy động vốn và không chịu ảnh hưởng của việc thâu tóm doanh nghiệp do 10% cổ phiếu này không có quyền biểu quyết, ông Hải nói thêm.
Dưới góc độ nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital tại Việt Nam từng phát biểu trên Bloomberg các kỳ vọng cho việc nới room đang ở mức cao. “Chúng tôi cần chờ xem chính xác điều gì sắp xảy ra, nhưng chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường”, ông Dominic chia sẻ.
Mới đây, Bloomberg cũng công bố một số đánh giá và số liệu về thị trường chứng khoán Việt Nam. Mỗi ngày sàn TP HCM giao dịch khoảng 51 triệu USD. So với con số 1,34 tỷ USD tại thị trường Singapore, đây mới chỉ là mức khiêm tốn. Phần lớn các nhà làm chính sách Việt Nam nhìn nhận khối ngoại là một trong những yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.
Phản ứng trước thông tin nới room, một số nhà đầu tư Việt Nam chia sẻ với VnExpress.net những ý kiến trái chiều. Trong đó, anh Nguyễn Văn Phúc, nhà đầu tư tại Hà Nội nói: “Cứ khi nào ra quyết định chính thức tôi mới tin, còn xin phép đề xuất thì cũng phải mất thêm thời gian dài nữa”.
Theo anh Phúc, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại có thể giúp một số mã gần cạn room tiếp thêm kỳ vọng. Tuy nhiên, việc này có thể không mang quá nhiều ý nghĩa vì số cổ phiếu đó có thể không được quyền biểu quyết. “Nếu tôi là nhà đầu tư ngoại, cầm cổ phiếu mà không được quyền lên tiếng thì tôi cũng không thích lắm”, anh Phúc nói thêm.
Trong khi đó, anh Nghiêm Xuân Long, môi giới chứng khoán kiêm nhà đầu tư lại cho rằng thị trường hiện rất cần tiếp thêm sức mạnh, tăng tính thanh khoản. Do vậy, nếu dự thảo nới room thành công, dòng tiền từ vốn ngoại sẽ dồi dào khiến thị trường bền vững hơn. Làn sóng đầu cơ có thể sẽ hướng về những mã sắp hết room như VNM, REE hay PNJ.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết tối đa 49%, còn ở ngân hàng, bảo hiểm, công ty tài chính là 30%.
Tường Vi