Trong văn bản gửi Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD, thấp hơn một nửa so với phương án Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trước đó là 58,7 tỷ USD.
Cơ quan ngành kế hoạch dẫn tính toán, nghiên cứu của các chuyên gia Hà Lan và Đức, nếu điều chỉnh hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm. Theo đó, với tốc độ khai thác 200 km một giờ, thay vì 350 km một giờ theo phương án Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trước đó, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP HCM sẽ vào khoảng 8 tiếng.
"Phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ tối đa 200 km một giờ là phù hợp, giảm chi phí đầu tư xã hội. Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km một giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí", văn bản Bộ Kế hoạch nêu, đồng thời dẫn chứng Chính phủ Hà Lan đã không thực hiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Dusseldorf - Amsterdam 200 - 300 km một giờ vì chi phí vận hành tăng từ 1,8 tỷ euro lên 3,4 tỷ euro. Cơ quan này cho rằng, phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao chuyên chở khách.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nhấn mạnh, để bảo đảm tính khả thi về mặt kỹ thuật, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thực hiện dự án, không để các công ty nước ngoài thâu tóm các hợp đồng có giá trị lớn thuộc dự án để tránh bị lệ thuộc. Cùng đó, dự án cần tránh độc quyền công nghệ của đối tác nước ngoài, tạo khả năng hợp tác đa phương làm giảm chi phí công nghệ, tăng khả năng xã hội hóa đầu tư.
Trước đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phương án lựa chọn thực hiện dự án này theo kịch bản với tổng chiều dài gần 1.600 km, khổ đường trên 1,43 m và gồm 24 ga. Trong số này có 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 ga depo, 42 ga cơ sở bảo trì hạ tầng. Tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt cao tốc này là 350 km một giờ và tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD (trên 1,35 triệu tỷ đồng). Nguồn vốn để làm dự án gồm hơn 1,08 triệu tỷ đồng (80% vốn) từ ngân sách, vốn tư nhân gần 269.000 tỷ đồng (20%). Ngoài ngân sách trung ương, Bộ Giao thông cũng tính tới việc huy động ngân sách địa phương để làm dự án.
Anh Minh