Quan điểm này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại phiên họp ở tổ về kinh tế xã hội ngày 22/5.
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính đánh giá tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất ba năm qua. Theo tính toán, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ. Bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công tới hết năm 2018.
Nhưng kết quả này vẫn khiến lãnh đạo Chính phủ chưa hài lòng. "Tỷ lệ nợ công 58,4% vẫn còn cao chứ không thấp đâu", ông Vương Đình Huệ nói.
Ông nói thêm, nợ công giảm nhưng không huy động thêm vì chi phí trả nợ vẫn khá lớn. Năm 2015 chi phí trả nợ cả gốc, lãi là 27,6% thu ngân sách nhưng tới năm 2018, tỷ lệ này được giảm còn 18,3%. "Dưới mức an toàn rồi nhưng áp lực vẫn lớn", ông nói.
Cũng đề cập tới vấn đề nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, chưa thể nói nợ công đã thực sự an toàn, bền vững khi mới bố trí trả lãi, chưa trả được gốc. Khi đầu vào là tiền vay đã quản lý chặt chẽ, song đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, ODA vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng cần xem xét lại một số chính sách vay khi vay ưu đãi nước ngoài có lãi suất 2–3% một năm. Song nếu tính cả trượt giá ngoại tệ thì mức lãi suất thực có thể lên đến 6–7%, cao hơn cả vay trong nước, chưa kể còn nhiều yếu tố phụ thuộc khi vay nước ngoài. Do đó, cần xử lý hợp lý để có cơ cấu nợ công hiệu quả.
Anh Minh