Năm 2016, GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 5,93%. Năm 2015, con số này là 6,5%. Riêng năm 2017, bỗng nhiên tăng trưởng 9 tháng đầu năm cải thiện ngoạn mục, GDP riêng quý III đã nhảy vọt lên tới 7,5%.
Nhờ “bước chân Thánh Gióng” này, tăng trưởng 9 tháng đạt 6,4%. Với dự kiến GDP quý IV còn có tốc độ tăng cao hơn nữa, nên không cần đợi đến số liệu thực tế vào cuối năm, “Chính phủ đã có thể báo cáo ngay với Quốc hội là mục tiêu tăng trưởng 6,7% của 2017 sẽ đạt được”, theo báo cáo của các cơ quan đại diện chính phủ tại Quốc hội.
Chưa năm nào trong lịch sử, tăng trưởng có sự cải thiện đột biến nhờ GDP quý III tăng vọt như năm nay, dựa trên công bố của Tổng cục Thống kê. Đối với giới quan sát từ nước ngoài, suốt thập kỷ qua, Việt Nam luôn có điểm cộng nhờ chính trị ổn định và mức tăng trưởng cao.
Với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng 6% một năm đã đủ hấp dẫn để họ mang tiền vào đầu tư. Kể cả khi GDP cao hơn, thì nó cũng là yếu tố phụ trong các quyết định “chìa” tiền. Bởi các yếu tố được đặt cao nhất trong kinh doanh tại một nước thứ hai chính là thái độ của cơ quan ban hành chính sách, cảm nhận về sự phát triển và “không khí” môi trường làm ăn… Nếu có lo lắng với Việt Nam thời điểm này, là tín dụng có thể được bung quá mạnh sẽ khiến bong bóng vỡ hay các yếu tố trực tiếp liên quan đến kinh doanh hơn là GDP. Bởi với họ, con số đôi khi chỉ là cái vỏ. Còn đối với chính chúng ta, GDP vẫn là một thước đo quan trọng.
Đầu tiên, GDP thể hiện thành tích điều hành của Chính phủ - một Chính phủ đang đặt ra mục tiêu kiến tạo. Thứ hai nó tác động ngay đến mức bội chi ngân sách và “van” nợ công.
GDP danh nghĩa là mẫu số của tỷ lệ nợ công. GDP tăng thì nợ công giảm. Năm ngoái, nợ công gần đụng trần (trên 64% GDP so với trần 65%). Nhưng với sự thay đổi ngoạn mục của GDP quý III vừa được trình ra Quốc hội, nợ công giảm ngay xuống còn nhỉnh hơn 62%.
Nhưng từ góc nhìn của người theo dõi lộ trình tăng trưởng, tôi thấy có ba câu hỏi cần được trả lời. Thứ nhất, GDP tăng 6,7% là nhờ công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh tới 12,8%, là một mức cực kỳ cao. Mức cao này có hợp lý?
Như giải thích của Tổng cục Thống kê, đó là nhờ sự tăng trưởng đến 25% của ngành lắp ráp điện tử (chủ yếu điện thoại của Samsung); 21% của ngành sản xuất kim loại (chủ yếu từ thép của Formosa); và 14% của sản xuất kim loại đúc sẵn. Nhưng rất lạ là ngoài 3 ngành này thì tất cả ngành còn lại đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình. Những ngành công nghiệp chế biến chế tạo truyền thống có tỷ trọng cao trong toàn ngành lại tăng trưởng rất thấp như đồ uống 5%; da giày 5,4%; nội thất 6,2%; may 6,3%; và thực phẩm 6,6%. Không kể sản xuất điện tử và kim loại, tất cả các ngành còn lại chỉ đóng góp khoảng 6,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng công nghiệp.
Theo logic, tốc độ tăng trưởng nhanh chỉ riêng của điện tử và thép không thể kéo tốc độ tăng trưởng chậm của tất cả các ngành còn lại để có tăng trưởng công nghiệp tới 12,8%. Còn nếu số liệu đúng như vậy thì ngoài tăng trưởng tốt chúng ta còn thêm một tin vui nữa: Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp đã rất cao, kể cả hoạt động gia công, lắp ráp của doanh nghiệp FDI. Điều mà nhiều năm nay, nền kinh tế mong muốn vươn tới.
Điều băn khoăn thứ hai, là sự tăng trưởng sản lượng điện không tương xứng với sự tăng trưởng công nghiệp. Thép với điện tử là hai ngành cực kỳ thâm dụng điện. Tất cả các năm trước, khi GDP tăng trên 6%, công nghiệp tăng khoảng 12%, thì sản lượng điện tăng quanh 11-12%. Trong khi 9 tháng đầu năm nay, GDP tăng 6,4% và công nghiệp tăng tới 12,8% thì điện chỉ tăng có… 8,3%. Cũng có thể là điện tăng ít đi vì người dân tiêu dùng điện tiết kiệm hơn, nhưng lại không phù hợp lắm với số liệu tăng tốt của tiêu dùng dân cư. Cũng có thể điện do Formosa tự sản xuất không được tính vào tốc độ tăng trưởng chung, nhưng nếu vậy thì sản lượng điện còn lại tăng vẫn quá thấp.
Con số 8,3% trên chỉ có thể hợp lý nếu tăng trưởng toàn ngành công nghiệp thấp hơn nhiều so với con số 12,8%. Còn nếu đúng, thì chúng ta lại có một tin vui nữa. Rằng các ngành công nghiệp ở Việt Nam hay người tiêu dùng Việt Nam, hay cả hai, đã hướng tới phát triển bền vững và đẩy mạnh tiết kiệm điện năng.
Thứ ba là sự đột biến của tăng trưởng hoạt động dịch vụ. Dịch vụ tăng tới 7,2% trong ba quý đầu năm. Điều này cũng được phản ánh qua tổng cầu. Nhưng phần đóng góp của GDP từ phía tổng cầu cũng gây thắc mắc. Bán buôn, bán lẻ tăng mạnh và tiêu dùng cuối cùng đóng góp tới 8,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng tích lũy đầu tư đóng góp 7,7 điểm phần trăm.
Tức là theo nguyên lý của việc tính GDP không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, tính cả hai sự đóng góp này, GDP 9 tháng của chúng ta phải tăng tới…13,5%. Song chúng tôi nhận thấy, để khớp với số liệu từ phía tăng trưởng ngành sản xuất (theo Tổng cục Thống kê là 6,4%), thì cán cân thương mại (xuất khẩu trừ nhập khẩu) từ phía cầu đã “làm giảm tăng trưởng” đi 7,1% điểm phần trăm.
Lại một lần nữa, điều này cũng khó giải thích. Cán cân thương mại trong 9 tháng được cải thiện chứ không phải thâm hụt nhiều hơn. Đó vì từ phía khu vực công nghiệp, ngành điện tử xuất khẩu mạnh và nhập khẩu phải tăng chậm hơn nếu muốn nói giá trị gia tăng nội địa là lớn. Từ phía dịch vụ, xuất khẩu du lịch tại chỗ cũng tăng mạnh, giúp giảm thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ. Liệu chúng ta có nên ăn mừng vì có thêm một tin vui nữa: tiêu dùng tăng mạnh, đầu tư tăng tốt, cán cân thương mại cải thiện thì tăng trưởng GDP có khi còn cao hơn 6,4%?
Chỉ có Tổng cục Thống kê mới trả lời được những câu hỏi này.
Nguyễn Xuân Thành
Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam