Đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ thuê tiếp tục nhận được những tranh luận trái chiều từ các đại biểu Quốc hội trong buổi làm việc về Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Trị nói "không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê, mà có cấm cũng không cấm được".
Ông Đồng phân tích, có hai cách thông thường đòi nợ, một là kiện ra toà, hai là thuê dịch vụ. Nếu đòi nợ qua con đường thi hành án thì từ lúc nộp đơn đến khi bản án phúc thẩm có hiệu lực mất khoảng 250 ngày, thậm chí vài năm. Còn sử dụng dịch vụ đòi nợ chỉ mất 1-2 tháng thu hồi được tiền, chủ nợ không mất thời gian đi lại. "Vì thế ở góc độ chủ nợ, dịch vụ đòi nợ thuê nhanh, gọn hơn toà thi hành án rất nhiều", ông kết luận.
Đại biểu này cũng nói thẳng, "có cấm cũng không cấm được". Ví dụ các bên "lách" quy định cấm này bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Biện pháp này hợp pháp theo Bộ luật Dân sự.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre cũng nói "không thể vì không quản nổi mà cấm".
Bà cho rằng, cấm dịch vụ đòi nợ thuê cũng chưa chắc hạn chế được hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi. Ngược lại, tình trạng mất an ninh trật tự có thể tăng vì "các đơn vị nợ hạn chế cho vay để bảo toàn vốn, sẽ đẩy con nợ buộc phải tìm đến các nguồn vay nặng lãi nhiều hơn".
Thẩm tra trước đó, Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống. Biến tướng từ loại dịch vụ này do chưa có quy định chặt chẽ. Vì thế cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê, thay vào đó bổ sung quy định điều kiện kinh doanh với dịch vụ này, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, một số đại biểu lại khẳng định "nhất thiết phải cấm dịch vụ đòi nợ thuê". Đại tá Phạm Huyền Ngọc - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận nêu thực tế, đòi nợ thuê đang biến tướng thành các hành vi khủng bố, băng nhóm cho vay nặng lãi, tín dụng đen... gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Dẫn chứng vụ Quân "xa lộ", hay mới nhất là vào ngày 18/11 tại Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng..., Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận khẳng định, không phải "quản không được thì cấm mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ luỵ xã hội".
"Nếu Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý", ông Ngọc nhấn mạnh.
Cùng ủng hộ đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) chỉ ra thực trạng các giấy tờ cho vay nếu mang ra toà sẽ vô hiệu bởi vi phạm nguyên tắc tự nguyện, vi phạm cho vay nặng lãi nên đã tìm tới dịch vụ đòi nợ, dẫn đến nhiều hệ luỵ sau đó.
Cho rằng tồn tại này là "không thể chấp nhận", ông Nghĩa nêu ý kiến bên cạnh việc cấm dịch vụ đòi nợ thì để giải quyết loại tranh chấp này, cần tăng cường hệ thống hoà giải cơ sở, các hình thức hoà giải khác nhau, trong đó có Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án đang trình Quốc hội xem xét.
Trước hai luồng ý kiến tranh luận khác nhau, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói "đây là vấn đề phức tạp". Ông nêu, thực tế các quan hệ dân sự thường là vay nóng, không thế chấp, nên dùng dịch vụ đòi nợ thuê không tốn thời gian theo hầu toà, thời gian xử lý nhanh.
"Thực tế biến tướng rất phức tạp, nên ngành công an, tư pháp đề nghị rất quyết liệt cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Chúng tôi thấy nên đưa vào để cấm", ông Dũng nói và cho hay ban soạn thảo sẽ rà soát để hoàn thiện, báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, quyết định.
Anh Minh