Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Điều 9 dự thảo luật vẫn quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.
"Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế", ông Dũng nói.
Theo ông, việc cơ quan này thuộc Bộ Tài chính vừa qua đã phát huy tốt vai trò, hỗ trợ gắn kết với cổ phần hoá, doanh nghiệp Nhà nước, niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể cả huy động vốn... "Mấy năm qua thị trường rất biến động, cả thế giới chao đảo, chứng khoán Việt Nam cũng ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được ổn định, tăng trưởng. Vốn hoá thị trường chứng khoán cao, tỷ lệ vốn hoá/GDP đạt mục tiêu", ông nói thêm.
Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý chứng khoán thuộc một trong 3 nơi: Bộ Tài chính, như Malaysia, Bồ Đào Nha; hoặc thuộc Ngân hàng Trung ương (Singapore, Nga...) hay cơ quan giám sát tài chính thuộc Chính phủ (Nhật Bản, Mỹ...). Dù ở mô hình và thuộc cơ quan nào thì cơ quan quản lý chứng khoán cũng đều phải đáp ứng nguyên tắc hoạt động độc lập, có năng lực, thẩm quyền và nguồn lực.
Ông cũng cho biết, sau nhiều bàn thảo, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó quy định Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính.
Góp ý kiến, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải hoạt động theo Luật Chứng khoán. Nghĩa là cơ quan này phải được trang bị đủ thẩm quyền để độc lập quyết định, thẩm tra, xử lý các vấn đề phát sinh trên thị trường. "Cần tránh tình trạng là cơ quan chuyên ngành nhưng khi thuộc Bộ Tài chính thì có vấn đề phát sinh, cần xử lý trên thị trường lại phải chờ xin ý kiến Bộ, khiến thời gian xử lý kéo dài", ông Kiên lưu ý.
Về điểm này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, những vướng mắc về thẩm quyền, cơ chế hay năng lực điều hành của Uỷ ban Chứng khoán sẽ được luật hoá theo hướng tăng thêm quyền trong quản lý, xử lý biến động trên thị trường; chủ động biện pháp đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro hệ thống. Quan trọng, ông Dũng nhấn mạnh, tổ chức bộ máy của Uỷ ban Chứng khoán đảm bảo nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn lưu ý, sửa đổi Luật Chứng khoán lần này phải nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan. "Quan điểm của tôi là Uỷ ban Chứng khoán thuộc đâu cũng được, nhưng phải quy định rõ trách nhiệm trong luật", ông Kiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, thẩm tra dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Kinh tế cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Chính phủ, thay vì thuộc Bộ Tài chính như hiện nay sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập.
"Uỷ ban Chứng khoán thuộc Chính phủ sẽ giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động đáp ứng tính chủ động, kịp thời", ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường lớn hơn nhiều với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định Ủy ban chứng khoán có vị trí độc lập. Những nước còn lại có mô hình Ủy ban chứng khoán thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không như mô hình hiện tại của Việt Nam.
"Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Thanh nói, đồng thời cho rằng, Ủy ban Chứng khoán thuộc Chính phủ có thể phát sinh thêm đầu mối về tổ chức, nhưng sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tính hiệu quả, thống nhất, và về lâu dài sẽ tách bạch chức năng của cơ quan quản lý tài chính Nhà nước với chức năng của các trung gian tài chính.
Nguyễn Hoài