Kinh tế thế giới đang chịu sức ép từ căng thẳng thương mại và bất ổn leo thang. GDP toàn cầu và hàng loạt nền kinh tế vì vậy được dự báo tăng trưởng chậm lại trong 5 năm tới. Số liệu công bố tuần trước của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng toàn cầu dự kiến xuống còn 3% năm nay - chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Việc này sẽ tác động đến 90% người dân trên thế giới.
Sử dụng dữ liệu của IMF được điều chỉnh theo phương pháp ngang giá sức mua, Bloomberg đã chọn ra 20 nền kinh tế dự báo là động lực cho tăng trưởng toàn cầu năm nay và 2024. Việt Nam lọt top 20 năm 2019, nhưng lại vắng bóng sau 5 năm.
Trung Quốc vẫn là nước có đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng GDP thế giới. Dù vậy, tỷ trọng sẽ giảm từ 32,7% giai đoạn 2018 - 2019 xuống còn 28,3% năm 2024.
Trong khi đó, Mỹ dù vẫn được dự báo là nước đóng góp đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu, lại có thể xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ năm 2024. Đóng góp của Mỹ ước tính giảm từ 13,8% xuống còn 9,2%.
Con số này của Ấn Độ lại lên 15,5%, chiếm vị trí thứ 2 của Mỹ sau 5 năm. Một quốc gia mới nổi khác - Brazil cũng thăng hạng lên thứ 6.
Indonesia vẫn giữ vị trí thứ 4, với dự báo đóng góp 3,7% tăng trưởng toàn cầu năm 2024, giảm nhẹ so với 3,9% năm nay. Đóng góp của Nga vẫn là 2% năm nay và năm 2024. Dù vậy, họ sẽ nhảy lên vị trí thứ 5 thay Nhật Bản. Quốc gia Đông Á sẽ lùi về thứ 9 năm 2024.
Trong khi đó, tầm quan trọng của Anh ước tính giảm đáng kể vì Brexit, khi tỷ trọng trong tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ thứ 9 xuống thứ 13. Đóng góp của cường quốc công nghiệp Đức vẫn là 1,6%, với vị trí thứ 7 trong cả hai năm.
Hà Thu (theo Bloomberg)