Đà phục hồi kinh tế toàn cầu năm tới cũng sẽ yếu hơn dự báo. Tăng trưởng năm 2020 có thể chỉ còn 3,4%. IMF cho rằng các thách thức trên toàn cầu đã đặt các nền kinh tế vào tình trạng "bấp bênh".
"Ưu tiên chính sách hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững, và kiềm chế căng thẳng địa chính trị", IMF cho biết trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Toàn cầu tháng 10, "Những động thái này có thể kéo niềm tin lên cao, kích thích đầu tư, chặn lại đà giảm thương mại và sản xuất, cũng như đẩy cao tăng trưởng toàn cầu".
Mỹ là một trong số ít nền kinh tế có triển vọng năm 2020 sáng sủa hơn so với dự báo hồi tháng 7. Năm tới, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tăng trưởng 2,1%, cao hơn 0,2% so với báo cáo trước, nhưng vẫn thấp đáng kể so với cam kết trước đây của Tổng thống Donald Trump là 4%. Năm nay, GDP Mỹ có thể tăng 2,4%.
Năm tới, chỉ một số nền kinh tế là có cải thiện về tăng trưởng, phần lớn là các nước mới nổi đang gặp khó, như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Iran. Chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những cách để thúc đẩy tăng trưởng. Các cuộc nói chuyện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có nhiều tiến triển tuần trước. Dù vậy, khả năng đạt thỏa thuận toàn diện vẫn còn mơ hồ.
Với việc số sản phẩm trị giá hàng trăm tỷ USD bị áp thuế nhập khẩu, IMF cho rằng các chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, và không nên chỉ dựa vào ngân hàng trung ương. "Chính sách tiền tệ nên được kết hợp với chính sách tài khóa", cơ quan này gợi ý.
Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã phải hạ lãi suất xuống âm để thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tháng trước đã hạ lãi suất xuống -0,5%.
Hà Thu (theo CNN)