Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước, căn cứ theo quy định về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), cơ quan này quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng.
Sau thương vụ, NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sẽ tham gia quản trị, điều hành VNCB.
Với động thái này, nhà điều hành nhận định VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền sẽ tiếp tục được đảm bảo.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/1/2015 của VNCB đã không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng vẫn giữ nguyên 3.000 tỷ đồng từ tháng 6/2011.
Tháng 7/2014, hai lãnh đạo cao nhất của VNCB là nguyên Chủ tịch Phạm Công Danh và nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai đã bị bắt. Sau sự cố này, Vietcombank ký kết hợp tác chiến lược để hỗ trợ VNCB về thanh khoản, phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn, kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin... Ngân hàng cũng bầu bổ sung lãnh đạo mới, bà Vũ Bạch Yến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Đàm Minh Đức làm Tổng giám đốc.
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng.
Phương Linh