Lễ ký diễn ra tại TP HCM có sự tham gia của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, cùng lãnh đạo cấp cao nhất của cả hai ngân hàng. Theo thoả thuận, Vietcombank cam kết hỗ trợ thanh khoản cho VNCB, phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin...
Việc hỗ trợ vốn cho VNCB được Vietcombank cho biết là sẽ thực hiện phù hợp với pháp luật và quy định nội bộ mỗi bên, nhằm chi trả kịp thời tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền. Hai bên thống nhất hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các giao dịch về vốn và kinh doanh tiền tệ khi có nhu cầu.
Riêng hợp tác về mặt quản trị, điều hành, Vietcombank sẵn sàng cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với VNCB để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành.
Phát biểu tại lễ ký, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Vietcombank cho biết đây là một chương trình hợp tác trên cơ sở tự nguyện giữa hai bên, tạo cơ hội quan trọng góp phần giúp VNCB thực hiện cơ cấu lại thành công và phát triển an toàn, bền vững. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho Vietcombank có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh với một đối tác trong nước.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank ký kết chiến lược nhưng thực chất là ký kết hợp tác toàn diện trên mọi mặt để hỗ trợ cho VNCB cả về thanh khoản, nguồn lực, vốn... Hợp tác này được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là tích cực, giúp cho Ngân hàng Xây dựng vượt qua giai đoạn khó khăn và tạo tiền đề phát triển tốt sau sự kiện hàng loạt lãnh đạo vừa bị bắt; đồng thời đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu ngân hàng được lành mạnh đúng hướng.
Phó thống đốc cho biết VNCB là ngân hàng có nợ xấu cao và nằm trong diện phải tái cơ cấu. Thời gian qua, Tập đoàn Thiên Thanh đã tham gia giúp ngân hàng tái cơ cấu, nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển. Sự cố 3 lãnh đạo bị bắt hôm 29/7 càng khiến nhà băng này rơi vào khó khăn. Do đó, Vietcombank - một định chế tài chính có tiềm lực mạnh và uy tín phải tham gia giúp Ngân hàng Xây dựng cải tổ lại hệ thống và vượt qua giai đoạn sóng gió này.
Ông Thanh cũng thông tin, mấy ngày qua khách hàng có rút tiền gửi tại VNCB nhưng vẫn nằm trong khả năng chi trả của nhà băng này và chưa cần dùng đến tiền hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
* Phó thống đốc: Tiền gửi tại VNCB được đảm bảo
Đây không phải trường hợp đầu tiên một ngân hàng khỏe mạnh đứng ra hỗ trợ khẩn và cam kết bảo lãnh lâu dài cho một ngân hàng yếu kém, gặp khó khăn về thanh khoản. Tháng 10/2011, khi bắt đầu quá trình tái cơ cấu hệ thống, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được chỉ định đứng ra hỗ trợ cho Ngân hàng Bắc Á và GP Bank với tổng hạn mức 8.000 tỷ đồng. Hai tháng sau đó, BIDV cũng đứng ra hỗ trợ cho 3 ngân hàng sắp phải hợp nhất là Tín Nghĩa, Sài Gòn và Đệ Nhất với số vốn cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 3 ngân hàng này sau đó đã hợp nhất thành Ngân hàng Sài Gòn.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, việc Vietcombank hợp tác với Ngân hàng Xây dựng là một bước đi hợp lý, nằm trong chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu hệ thống theo hướng các ngân hàng lớn, khoẻ mạnh sẽ hỗ trợ các ngân hàng nhỏ.
"Đây là một minh chứng về sự hợp tác phát triển của các ngân hàng, thể hiện xu hướng tái cơ cấu theo hướng lành mạnh, liên kết cao để có sự an toàn và hiệu quả của hệ thống", ông Ngân nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau sự kiện một loạt cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng bị bắt hôm 29/7, cơ quan này đã có biện pháp thông báo với chi nhánh tại địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước cũng có các biện pháp dự phòng, trong đó có hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, một ngày sau sự cố, đã có tình trạng một số người dân tới rút tiền. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, tình trạng ấy gần như không còn. Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý tất cả các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Xây dựng, tương tự các ngân hàng khác đều được bảo hiểm.
Trước đó, tối 29/7, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang thụ lý vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tập đoàn Thiên Thanh, TP HCM. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với cựu Chủ tịch Phạm Công Danh, Tổng giám đốc Phan Thành Mai và một thành viên Hội đồng quản trị khác phụ trách tài chính là Mai Hữu Khương.
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ.
Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng. Đến 26/12/2013, Ngân hàng Xây dựng đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.
Hoài Thu