Tại hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng tham gia các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá của TP HCM sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm từ 8-8,5%.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng như trên, theo ông, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP HCM giai đoạn 2016 - 2020 ước cần khoảng hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập, cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị và các lĩnh vực khác thuộc 7 Chương trình đột phá của TP HCM khoảng 850.000 tỷ đồng, chiếm 46%.
"Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách Thành phố chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Đó là thách thức lớn của Thành phố trong thời gian tới", Chủ tịch Phong nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển bị thắt chặt, các nguồn vốn ODA có thời gian vay ngắn hơn và lãi suất cao hơn so với giai đoạn trước, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM cho rằng, việc tăng cường thu hút đầu tư xã hội hóa theo hình thức hợp tác công tư PPP, tận dụng các nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân được xem là giải pháp hữu hiệu.
Ông cho biết, với hình thức đối tác công tư, tính đến nay, TP HCM có 23 dự án đã hoàn tất ký kết Hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng; trong đó có 17 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và một dự án thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội.
Bên cạnh đó, Thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác (hiện đang ở các bước chuẩn bị đầu tư như lập, phê duyệt đề xuất dự án; lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi...) với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.
Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, vị này cho hay, tính đến hết ngày 31/7, Thành phố có hơn 7.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký (cấp mới và tổng vốn) là 42,07 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xếp thứ nhất chiếm tỷ trọng 34,15% (14,37 tỷ USD); lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản xếp thứ 2, chiếm tỷ trọng 33,19% (14 tỷ USD)...
Ông Anh cho biết thêm, Sở Kế hoạch & Đầu tư cơ bản đã hoàn tất việc xây dựng chuyên trang thông tin PPP, dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào cuối quý III/2017 trên website của sở để kêu gọi đầu tư.
Tại hội nghị sáng nay cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn của 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giữa các nhà đầu tư và các ngân hàng, các tổ chức tín dụng với tổng mức tín dụng cho vay 26.000 tỷ đồng.
Cụ thể, các nhà đầu tư gồm: Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC), Công ty Thế Giới Kỹ Thuật Đầu tư, Công ty đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Phát triển Tân Thuận, Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam, Công ty Nam Rạch Chiếc, Công ty Bất động sản Tiến Phước, Công ty Y tế Việt Anh, Công Ty Đầu Tư Xây Dựng An Gia Hưng, Công ty Đường Khánh Hội, Công ty Đầu tư Xây dựng An Điền.
Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng bao gồm: HFIC, Vietcombank, VietinBank, Agribank, SCB, OCB, Tiên Phong, BIDV…
Tuy được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả nhưng hiện hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank là còn nhiều vướng mắc.
Thứ nhất là về tính pháp lý. Các văn bản về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức Nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào một số Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,… .), và tính ổn định của chính sách không cao, đây cũng là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là về nguồn vốn. Các tổ chức tín dụng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế. Trong khi, các dự án PPP có thời gian kéo dài 5-10 năm, thậm chí 20-30 năm, nên sẽ có những khó khăn nhất định về đàm phán và thu xếp vốn.
Cuối cùng là vướng mắc về năng lực chủ đầu tư. Một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án.
Lệ Chi