Kiểm toán Nhà nước vừa gửi tới Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2018, dự toán ngân sách 2019.
Cơ quan kiểm toán cho biết, thu ngân sách Nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), bằng 3,67% GDP, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội giao.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, số bội chi có thể giảm "nếu Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn 2018 phù hợp với khả năng giải ngân 88,2% dự toán.
Xét về giá trị tuyệt đối, thâm hụt ngân sách năm nay nằm trong kế hoạch Quốc hội giao và thấp hơn 0,03% GDP về tỷ lệ, dù vậy vẫn tiềm ẩn những tồn tại trong cơ cấu nguồn thu, chi.
Theo rà soát của Kiểm toán Nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách 2018 trên 1,35 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 39.200 tỷ đồng. Con số này tăng 3% dự toán, nhưng là tỷ lệ tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện 4 năm gần đây (năm 2014, 2015 tăng 9,6%; 2016 là 9,2% và 2017 tăng 6,2% so với dự toán).
Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô. Trong khi khoản thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô tăng do giá lập dự toán 50 USD một thùng, thấp hơn thực tế 23,5 USD và sản lượng tăng 450.000 tấn.
Các nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều giảm, lần lượt trên 4.900 tỷ đồng, 33.646 tỷ và 4.855 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng nhận thấy, một nửa địa phương không đạt số thu ngân sách, trong đó 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM hụt thu hai năm liên tiếp. Thu ngân sách Trung ương vượt dự toán, chiếm 44,7% tổng thu nhưng thấp hơn nhiều mục tiêu 60-65% giai đoạn 2016-2018.
Qua kiểm toán cho thấy vẫn phổ biến tình trạng kê khai thuế không đầy đủ; nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước còn chưa nộp kịp thời vào ngân sách 516 tỷ đồng. Ngoài ra, việc quản lý phần thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá... làm thất thoát ngân sách buộc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi hơn 3.850 tỷ.
Năm 2019, kịch bản dự toán ngân sách 2019 được xây dựng trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8%. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội thu ngân sách hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với 2018. Tổng chi ngân sách hơn 1,44 triệu tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách năm sau bội chi khoảng 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Con số này giảm 0,1 điểm phần trăm so năm 2018, nhưng tăng 18.000 tỷ đồng nếu xét số bội chi tuyệt đối.
Vẫn như kịch bản thu ngân sách nhiều năm, nguồn thu của quốc gia vẫn dựa vào ba khoản chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và khoản từ hoạt động xuất nhập khẩu. Theo kế hoạch, thu nội địa gần 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 83,2 dự toán thu ngân sách Nhà nước; thu từ thuế, phí khoảng 945.000 tỷ đồng.
Khoản thu từ dầu thô là 44.600 tỷ đồng, giảm 10.400 tỷ so với năm 2018. Con số này được tính trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 10,43 triệu tấn, giảm 1,33 triệu tấn và giá dầu 65 USD một thùng.
Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Chính phủ chưa phân tích việc giảm sản lượng khai thác dầu và giá dầu dự kiến cũng thấp hơn số thực hiện năm 2018, cũng như dự báo của các tổ chức quốc tế. Chưa kể, từ năm 2019, tỷ lệ lãi dầu khí để lại 32% được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thuyết minh cụ thể số liệu trong dự toán. Vì lẽ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn.
Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý mối lo áp lực trả nợ năm 2019 khá lớn dù nghĩa vụ nợ trực tiếp trên tổng thu ngân sách vẫn trong giới hạn cho phép. Dự kiến chi trả nợ lãi năm sau 124.800 tỷ, tăng 12.300 tỷ so với dự toán 2018. Khoản này chưa gồm nợ gốc phải trả 197.000 tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 182.000 tỷ, gây áp lực lớn cho ngân sách.
Nguyễn Hoài