Thông tư 02 với những quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6. Tinh thần chung của Thông tư này là "siết" chặt hơn để hạn chế rủi ro cho ngân hàng và mở rộng đối tượng phải trích lập dự phòng trong hoạt động tín dụng. Khi được công bố hồi đầu năm 2013, văn bàn này từng nhận được nhiều khen bởi kỳ vọng đưa hệ thống ngân hàng "còn nhiều lỏng lẻo vào trật tự" và "tiệm cận với chuẩn quốc tế". Tuy nhiên, càng gần đến giờ "G" thì càng xuất hiện nhiều e ngại từ phía ngân hàng, doanh nghiệp lẫn chuyên gia.
![]() |
Chủ tích Agribank - Nguyễn Ngọc Bảo cho biết khoảng 30% số khách hàng của nhà băng là hộ sản xuất sẽ khó khăn nếu áp dụng chuẩn phân loại nợ mới. Ảnh: Nguyễn Quyết |
Với lý do tình hình đang "rất khốn khó", hầu hết các ngân hàng đã kiến nghị hoãn thời gian thực hiện của Thông tư 02. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng thời điểm này nếu áp dụng thì nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng cao và vượt quá sức chịu đựng của hệ thống. "Chuẩn mới sẽ khiến nợ xấu tăng và xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp, người dân cũng xấu hơn và họ càng khó tiếp cận vốn. Như Agribank có lượng lớn khách hàng là hộ sản xuất và khoảng 30% số này sẽ khó khăn hơn", ông Bảo phân tích.
Thậm chí, Phó chủ tịch Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng còn nói thẳng: "Nếu không gia hạn Thông tư 02 thì nhiều nông dân ra đứng đường. Gần 70% dư nợ của Agribank, 40% của Ngân hàng Liên Việt là cho vay nông nghiệp".
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Lục Lam cũng cho rằng doanh nghiệp chính là người khó khăn nhất. "Nói thẳng ra thì các ngân hàng rất thích thông tư 02 nhưng nếu triển khai, nhóm nợ của doanh nghiệp sẽ thay đổi. Trong điều kiện đang thực hiện Nghị quyết 13 và 02 của Chính phủ nên điều chỉnh lộ trình hợp lý", ông Lam đề xuất.
Đại diện Ngân hàng Tiên Phong chia sẻ: "Dĩ nhiên đã mang tiếng nợ xấu thì còn ai cho doanh nghiệp vay nữa. Kinh tế hiện nay rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp thủy sản, sắt thép, xây dựng, bất động sản đang rất khó khăn rồi".
Năm 2012, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn và "kích" tín dụng tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp theo Quyết định 780. Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Phạm Quang Thắng ví von: "Chúng ta đang thực hiện nhiều chương trình để thúc đẩy kinh tế, như quyết định 780 đã giúp được rất nhiều doanh nghiệp giống như ống thở trợ sức do doanh nghiệp khỏi chết lâm sàng và không nên vội vàng rút nó ra".
Về việc hoãn Thông tư 02, cũng có những ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm, người hiện là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đứng về phía doanh nghiệp và cho rằng nên lùi thời điểm áp dụng. "Tôi không khỏi hoang mang bởi nếu phân loại thẳng thừng thì nợ xấu tăng lên rất nhanh. Bản thân các doanh nghiệp nay đã khó tiếp cận vốn vì không đủ tiêu chuẩn vay", ông Kiêm lo ngại. Nguyện vọng của doanh nghiệp và ngân hàng là hoãn Thông tư 02 càng lâu càng tốt nhưng theo ông Kiêm, chỉ nên hoãn hết năm 2013.
![]() |
"Nếu phân loại thẳng thừng thì nợ xấu sẽ tăng rất nhanh". Ảnh: Anh Quân |
Trong khi đó, trong một cuộc trao đổi với Ngân hàng Nhà nước về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thiên về hướng không nên hoãn Thông tư 02. Theo ông văn bản này là "một cuộc cách mạng" trong quyết tâm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, thay vì nợ xấu 3-4% thì ở một số ngân hàng sẽ tăng thêm vài ba chục phần trăm. "Nếu chúng ta cứ hoãn, cứ cho rằng nợ xấu trong vòng kiểm soát, 6 tháng một năm nữa ta vẫn sống trong ảo tưởng mọi thứ đang tốt. Nếu vậy thì cần gì xử lý nợ xấu và lập công ty quản lý tài sản", ông Hiếu phân tích. Theo vị chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán kỹ trước khi quyết định hoãn Thông tư 02 bởi theo ông, các tổ chức quốc tế đang rất quan tâm Việt Nam làm gì với nợ xấu và việc hoãn này cũng có thể khiến Ngân hàng hàng Nhà nước mất uy tín với quốc tế.
Trước ý kiến này, nguyên Thông đốc Cao Sỹ Kiêm cho rằng dù ủng hộ Thông tư 02 nhưng nếu chưa chuẩn bị và chưa có thời gian điều chỉnh thì sẽ phải "trả giá đắt". Ông minh họa: "Tôi rất phân vân trong điều kiện này, rằng nếu chỉ có một cái đèn trên cao, quá cao so với chiều cao chúng ta, thì ta phải kê ghế đứng lên với nó, chứ không thể nhảy lên với nó được".
Trao đổi với VnExpress.net, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết sẽ căn cứ trên điều kiện kinh tế hiện nay, mong muốn của doanh nghiệp, ngân hàng để đưa ra phương án hợp lý nhất trong thời gian tới.
Linh Lan