Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02 về quy định tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng để xử lý rủi ro của các ngân hàng. Một số ý kiến cho rằng, điểm chung của Thông tư là thêm yêu cầu về trích lập dự phòng và buộc các ngân hàng phải giảm bớt lãi để dành nguồn xử lý nợ xấu.
Thông tư này mở rộng phạm vi các loại tín dụng buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng hơn trước đây cũng như bổ sung các quy định, nguyên tắc phân loại nợ phù hợp hơn. So với Quyết định 493, Thông tư 18, Thông tư 15 đang áp dụng, Thông tư này bổ sung trái phiếu chưa niêm yết cũng như các khoản vay dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng vào danh mục phải trích lập dự phòng. Ngoài ra, các khoản bảo lãnh thanh toán, cam kết cho vay không hủy ngang sẽ phải phân loại nợ xấu theo Thông tư 02 thay vì quy định cũ. Theo lý giải của nhà điều hành, những quy định mới nhằm tăng cường quản lý, giảm sát chất lượng hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức.
Thông tư 02 'siết' chặt hơn việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một điểm khác so với quy định cũ là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với các nhà băng đã được chấp thuận áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của nước ngoài trước đây cũng có thể bị yêu cầu trích lập dự phòng lại theo Thông tư mới của nhà điều hành.
Khoản 3, điều 2 của Thông tư nêu rõ: "Trong quá trình thanh tra, nếu đánh giá chính sách dự phòng của ngân hàng không phản ánh được đầy đủ mức độ rủi ro tín dụng trong hoạt động thực tế tại Việt Nam có thể yêu cầu thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và trích lập dự phòng theo quy định tại Thông tư này.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định các ngân hàng phân loại nợ theo thời gian quá hạn thay vì theo chất lượng tín dụng để phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống. Cũng theo Thông tư mới này, các tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết. Việc này sẽ làm cơ sở cho hoạt động xét duyệt cấp tín dụng và xây dựng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng.
Như vậy, với việc bị tăng thêm nhiều quy định và hạng mục phải trích lập dự phòng rủi ro hơn trước, các ngân hàng sẽ phải tăng chi phí dự phòng để tạo lập nguồn vốn góp phần xử lý nợ xấu cho hệ thống.
Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia tài chính ngân hàng ghi nhận những nỗ lực của nhà điều hành trong việc tăng cường an toàn hệ thống cũng như tạo nguồn vốn để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý: "Theo thông tư, các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều khoản hơn có nghĩa là chi phí của họ sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, điều này chưa chắc chỉ ra rằng lợi nhuận của họ sẽ giảm". Vị này lý giải, rất có thể thay vì chịu lãi ít, các nhà băng sẽ chuyển khoản chi phí đó lên đầu doanh nghiệp bằng tăng lãi suất cho vay.
Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/6.
Thanh Thanh Lan