Thông điệp này được nêu trong văn bản ngày 22/12 của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng liên quan tới tín dụng và lãi suất. Thống đốc cũng đề nghị các nhà băng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Cách đây 10 ngày, cơ quan này cũng đã yêu cầu các nhà băng phải báo cáo hàng tuần về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi và cho vay.
Các động thái trên của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ liên tục đẩy lãi suất tiết kiệm tăng "nóng" trong tháng cuối năm. Cụ thể, nửa đầu tháng 12, có một số nhà băng tăng lãi suất huy động lên 12% một năm. Điều này khiến lãi suất cho vay cũng tăng vọt, với khách hàng cá nhân vay trung dài hạn, lên 15-16% một năm, còn doanh nghiệp vay ngắn hạn 11-12% một năm...
Hiệp hội ngân hàng (VNBA) tuần trước phải tổ chức họp với các nhà băng về vấn đề lãi suất. Tại cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã quán triệt chủ trương các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay tuỳ theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Đại diện các ngân hàng cũng đồng thuận với phương án đưa lãi suất huy động về 9,5% một năm.
Sau cam kết này, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tư nhân đã đồng loạt hạ nhiệt. Ghi nhận của VnExpress cho thấy mức lãi "khủng" hơn 12% một năm không còn xuất hiện tại một số nhà băng như trước đây. Dẫu vậy, nhìn chung mặt bằng huy động vẫn đang ở mức rất cao.
Cuộc đua lãi suất tại nhiều nhà băng thời gian qua, theo VNBA, do thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ thiếu hụt tạm thời. Điều này không chỉ do người dân chuyển sang gửi tiền ở những ngân hàng lớn mà còn do giới nhà băng cũng thiếu tin tưởng nhau, khiến thị trường liên ngân hàng (các ngân hàng vay mượn nhau) nhiều lúc gián đoạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bơm vốn kịp thời, song áp lực với một số ngân hàng nhỏ chưa phải đã hết.
Ngoài vấn đề lãi suất, tại văn bản 22/12, Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý các nhà băng kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của người đứng đầu ngành ngân hàng, các nhà băng cần chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn.
Nguồn vốn chảy ra nền kinh tế được yêu cầu phải được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghề cao). Những lĩnh vực thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt.. cũng cần được ưu tiên.
Quỳnh Trang